EU cần thêm thỏa thuận chia sẻ khí đốt để ứng phó khủng hoảng nguồn cung

Lê Minh 07:57 | 30/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận trong tuần này nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt, nhưng để có thể thực thi, các nước thành viên cần có các thỏa thuận song phương nhằm chia sẻ khí đốt và ngay vào lúc này, phần lớn các nước chưa có một thỏa thuận nào như vậy.

Chỉ sáu thỏa thuận đạt được, có nghĩa hầu như 27 nước thành viên chưa đưa ra được các điều khoản chắc chắn về cách thức và khi nào sẽ chia sẻ khí đốt trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, hoặc một sự bồi thường về tài chính sẽ nhận được hoặc thực hiện nếu làm như vậy.

Lo ngại Nga có thể dừng hoàn toàn dòng chảy khí đốt, tất cả các nước thành viên EU, trừ Hungary, ngày 26/7 đã nhất trí hạn chế mức tiêu thụ khí đốt 15% trong mùa Đông để giải phóng nhiên liệu cho việc chia sẻ trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung.

Tuy nhiên, việc chia sẻ ra sao lại tùy thuộc vào mỗi nước.

Luật của EU buộc các nước thành viên chuyển khí đốt cho nước láng giềng mà người dân và các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Để thực hiện việc chia sẻ như vậy, chính phủ các nước ký kết các thỏa thuận song phương. Tuy nhiên, mới chỉ tám nước có các thỏa thuận song phương cho đến nay, trong đó có Đức và Áo, Estonia và Latvia, Italy và Slovenia.

Ủy viên về năng lượng của EU Kadri Simson trong tháng trước nói rằng điều đó là không đủ, hối thúc các nước đạt nhiều thỏa thuận hơn nữa. 

Các quan chức chính phủ cho biết, một số ít nước đang thương lượng các thỏa thuận song phương mới. Bộ Kinh tế Đức cho biết, một thỏa thuận giữa nước này và Cộng hòa Czech dự kiến sẽ được ký vào mùa Đông và Đức đang thương lượng các thỏa thuận với Ba Lan và Italy.

Tuy nhiên, một số nước vẫn phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga như quốc gia nằm trong lục địa như Hungary phản đối thỏa thuận vừa đạt được trong tuần này và mới chỉ có một thỏa thuận song phương.

Italy và Pháp là hai nước sử dụng khí đốt nhiều nhất trong EU sau nền kinh tế đầu tàu là Đức. Italy chỉ có một thỏa thuận song phương về chia sẻ khí đốt khẩn cấp và Pháp không có thỏa thuận nào về vấn đề này. 

Một quan chức cấp cao của Italy cho biết nước này đang thương lượng thỏa thuận với Hy Lạp về tình trạng thiếu khí đốt.

Các thỏa thuận nhằm tránh sự hoảng loạn và làm giảm nguy cơ các nước tích trữ và từ chối hỗ trợ các nước láng giềng.