EVN được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất
(DNVN) - Mới đây, tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến và tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì những đóng góp xuất sắc trong phong trào này.
Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, về đích trước gần 2 năm so với kế hoạch. Bên cạnh 4.665 xã (chiếm 52,4% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 109 đơn vị cấp huyện (chiếm 16,5% số huyện) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có hai tỉnh Đồng Nai (133/133 xã, 11/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới) và tỉnh Nam Định (209/209 xã, 10/10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới).
Trong đó, EVN là đơn vị chủ chốt thực hiện tiêu chí số 4 về điện; đảm bảo kỹ thuật lưới điện và yêu cầu về tỉ lệ hộ dân có điện sử dụng. Tập đoàn xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Từ năm 2008, theo yêu cầu của các địa phương, EVN tiếp nhận bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức quản lý điện nông thôn không đủ năng lực quản lý. Từ chỗ chỉ quản lý bán điện trực tiếp tại 2.126 xã, trong hơn 10 năm qua, EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại gần 6.000 xã. Đến nay EVN đang quản lý bán điện tại 8.122 xã, chiếm tỉ lệ 92% số xã và hơn 93% hộ dân.
Để lưới điện nông thôn đáp ứng tiêu chí số 4, mỗi xã phải đầu tư từ 5-10 tỷ đồng. EVN đã tìm kiếm, làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài, sử dụng các nguồn vốn vay ODA, nguồn vốn của EVN và nguồn vốn ngân sách cấp là nguồn lực chính để thực hiện Chương trình. Tổng số vốn đầu tư của EVN cho lưới điện phân phối cung cấp cho khu vực nông thôn trong 10 năm là gần 90 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó EVN đặc biệt quan tâm tới việc đưa điện ra cho bà con trên các đảo. Sau khi tiếp nhận và bán điện trực tiếp trên các huyện đảo, EVN đã đầu tư nguồn và lưới điện; tăng giờ phát điện thay vì 6h/ngày lên 24/24h và thực hiện bán điện cho các hộ dân trên đảo theo giá quy định của Chính phủ.
Kết quả, trong 10 năm (2010-2019), tỷ lệ số xã có điện đã tăng từ 98,69% (năm 2010) lên 100% (năm 2018) và số hộ dân có điện sử dụng tăng từ 97,31% (tương ứng 19 triệu hộ - năm 2010) lên 99,47% (tương ứng 27,41 triệu hộ - tháng 6/2019). Tới ngày 30/6/2019, có 8.072/8.902 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 90,7% tổng số xã của cả nước, tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với thời điểm năm 2015.
Theo ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN: Việc EVN tiếp nhận quản lý bán điện trực tiếp tới hộ dân và đầu tư phát triển điện nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện nông thôn, từ chỗ chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ở mức cơ bản như phục vụ ánh sáng sinh hoạt và một phần sản xuất nhỏ, tiến đến đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sinh hoạt và phát triển sản xuất với chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, du lịch, nâng cao thu nhập đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực nông thôn.
Để đạt được thành tích trên, EVN luôn nhận được chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Chính phủ tạo cơ chế huy động các nguồn vốn cho chương trình điện nông thôn. Trong đó, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính theo phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm” là sự sáng tạo độc đáo của Việt Nam trong chương trình điện nông thôn.