Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất trong bối cảnh mâu thuẫn kinh tế

Báo Tin Tức/TTXVN 16:27 | 04/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phát ra nhiều tín hiệu trái chiều, Fed chuẩn bị cho một đợt cắt giảm lãi suất vào ngày 7/11 tới đây.

   

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal ngày 3/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chuẩn bị cho một đợt cắt giảm lãi suất mới vào ngày 7/11 tới, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang gửi đến những tín hiệu trái chiều. Dự kiến Fed sẽ giảm 0,25 điểm phần trăm, tiếp nối đợt cắt giảm 0,5 điểm đã thực hiện trong tháng 9 vừa qua.

Loretta Mester, người đã nghỉ hưu với tư cách là Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland (Fed Cleveland) vào tháng 6 vừa qua sau 10 năm đảm nhiệm cương vị này, cho rằng quyết định trên phản ánh sự tự tin của Fed về xu hướng lạm phát. "Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới: Chính sách sẽ trở nên ít hạn chế hơn theo thời gian vì Fed tự tin hơn về việc lạm phát sẽ giảm xuống mức 2%", bà Mester nhận định.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Fed đang phải đối mặt với bức tranh kinh tế phức tạp: Về mặt tích cực, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định ở mức 2,8% trong quý III/2024, được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Điều này khiến một số nhà kinh tế cho rằng chính sách lãi suất của Fed có thể không quá chặt chẽ như lo ngại ban đầu.

Nhưng thị trường lao động đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Khu vực tư nhân chỉ tạo thêm trung bình 67.000 việc làm mỗi tháng trong ba tháng tính đến tháng 10/2024 - mức thấp nhất kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020.

Trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định ở mức 4,1% vào tháng trước, tỷ lệ lao động bị sa thải vĩnh viễn đã tăng lên mức cao nhất trong năm, một trong nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu lao động giảm.

Không rõ xu hướng này - mức tiêu dùng ổn định trong khi thị trường lao động chậm lại - có thể kéo dài được bao lâu.

Trong một kịch bản, chi tiêu tiêu dùng mạnh sẽ giúp ổn định thị trường lao động bằng cách duy trì nhu cầu việc làm. Khi đó, sự hạ nhiệt gần đây chỉ là dấu hiệu của việc thị trường lao động trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch và Fed sẽ có thể cắt giảm lãi suất ít hơn.

Trong kịch bản kém lạc quan hơn, thu nhập yếu có thể ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng trong những tháng tới, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước suy thoái và có thể cần cắt giảm lãi suất nhiều hơn.

Các quan chức Fed nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhìn nhận xu hướng dài hạn thay vì phản ứng với từng báo cáo riêng lẻ. Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly giải thích: "Chính sách 'phụ thuộc vào dữ liệu' không có nghĩa là 'phản ứng với dữ liệu'".

Về phần mình, Raphael Bostic, Chủ tịch Fed Atlanta, cũng khuyến nghị cách tiếp cận "kiên nhẫn và chấp nhận sự thay đổi" trong môi trường hiện tại, nơi các số liệu thường xuyên được điều chỉnh.

Đáng chú ý, cuộc họp tuần này của Fed diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi kết thúc hai ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Mặc dù kết quả bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến quyết định lần này, những thay đổi chính sách của tổng thống tiếp theo và Quốc hội có thể sẽ định hình lại triển vọng kinh tế và ảnh hưởng đến lộ trình lãi suất của Fed trong tương lai.