Fed: Để hạ gục lạm phát, lãi suất có thể tăng cao hơn nữa
Lập trường diều hâu
Theo đưa tin của Bloomberg, hai quan chức Fed mới đây cảnh báo rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể phải tăng lãi suất mạnh tay hơn để chế ngự áp lực giá ở một số lĩnh vực của nền kinh tế.
Hôm 16/6, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết lạm phát toàn phần đã “giảm một nửa” kể từ khi đạt đỉnh vào năm ngoái, nhưng lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) lại không suy giảm mấy trong 8 hoặc 9 tháng qua.
“Đó chính là điều khiến tôi e ngại”, ông Waller chia sẻ trong một sự kiện ở Na Uy. “Chúng tôi nhận thấy lãi suất đang phát huy tác dụng đối với một số bộ phận của nền kinh tế”.
“Thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, nhưng lạm phát lõi thì không xê dịch và điều này chứng tỏ Fed có thể cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa để đẩy lạm phát đi xuống”, ông nhấn mạnh.
Ở một sự kiện khác vào cùng ngày, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond là ông Thomas Barkin lưu ý rằng lạm phát vẫn “quá cao” và “dai dẳng một cách khó chịu”.
“Tôi muốn nhắc lại rằng đưa lạm phát về mức 2% là mục tiêu của chúng tôi và tôi vẫn đang cố tin câu chuyện nhu cầu chậm lại sẽ nhanh chóng kéo lạm phát về ngưỡng mục tiêu”, ông Barkin bày tỏ.
“Nếu dữ liệu sắp tới không hỗ trợ hướng đi đó, tôi nghĩ Fed nên thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa”, vị quan chức cho hay.
Kết thúc cuộc họp mới nhất vào ngày 14/6, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định tạm dừng sau 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái.
Song, để đối phó với việc áp lực giá kéo dài dai dẳng và thị trường lao động vẫn bền bỉ, các nhà hoạch định chính sách dự đoán lãi suất sẽ lên cao hơn so với ước tính ban đầu.
Ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, cho biết việc tạm dừng sẽ cho phép ngân hàng trung ương Mỹ đánh giá tác động của chính sách đến nền kinh tế.
“Tôi nghĩ chuyện này giống như một nhiệm vụ do thám, tạm dừng bây giờ để tìm hiểu phạm vi ảnh hưởng [của chính sách tiền tệ thắt chặt] trước khi leo lên đồi lần nữa”, ông ví von trong cuộc phỏng vấn với NPR.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 cho thấy lạm phát toàn phần tại Mỹ đã chậm lại, nhưng lạm phát lõi vẫn đi lên một cách đáng ngại.
Báo cáo khác chỉ ra, nền kinh tế đã tạo thêm việc làm với tốc độ gây bất ngờ trong tháng 5 và số cơ hội việc làm đã tăng lên trong tháng 4.
Ông Barkin của Fed chi nhánh Richmond cảnh báo rằng việc nới lỏng chính sách quá sớm sẽ là một sai lầm đắt giá.
“Tôi nghĩ nới lỏng chính sách sớm sẽ gây nguy cơ suy thoái nghiêm trọng hơn. Kinh nghiệm từ những năm 1970 cho ta một bài học đáng giá: nếu tha cho lạm phát quá sớm, lạm phát sẽ quay trở lại mạnh hơn, buộc Fed phải hành động mạnh tay hơn, gây ra nhiều thiệt hại hơn. Đó là rủi ro mà tôi không muốn gánh”, ông nói.
Báo cáo gửi Quốc hội
Ở diễn biến khác, Fed đã công bố một báo cáo mới vào ngày 16/6. Báo cáo cho thấy xu hướng thắt chặt của các điều kiện tín dụng sau cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng hồi tháng 3 có thể đè nặng lên tăng trưởng và mức độ thắt chặt tiền tệ bổ sung sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu sắp tới.
“FOMC sẽ xác định mức độ thắt chặt chính sách bổ sung tại từng cuộc họp để làm sao đưa lạm phát quay về mức 2% theo thời gian, dựa trên những dữ liệu mới và hàm ý của chúng với triển vọng kinh tế, lạm phát”, Fed nêu rõ trong báo cáo bán niên gửi Quốc hội Mỹ.
Theo Bloomberg, bản báo cáo được Fed đăng tải trên website chính thức trước phiên điều trần của Chủ tịch Jerome Powell trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày 21/6. Ông Powell sẽ xuất hiện trước ủy ban giám sát ngành ngân hàng của Thượng viện một ngày sau đó.
“Bằng chứng cho thấy căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng, những lo ngại liên quan đến dòng tiền gửi tháo chạy và chi phí huy động vốn đã góp phần thắt chặt và dự kiến sẽ còn tiếp tục thắt chặt các điều kiện cho vay tại một số ngân hàng...”, báo cáo có đoạn.