FED siết chính sách tiền tệ, thị trường tài chính Việt Nam có thể chịu tác động
FED và lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ gấp rút
Tại cuộc họp gần đây nhất được tổ chức vào ngày 3-4/5/2022, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc FED đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm, qua đó nâng mặt bằng lãi suất cơ bản lên biên độ mới từ 0,75-1,0%. Quyết định này đánh dấu đợt tăng lãi suất tăng mạnh nhất của FED kể từ tháng 5/2000 đến nay.
Các quan chức FED đồng thời gợi ý rằng sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong năm nay với nỗ lực kiềm chế lạm phát. Gần đây nhất, hôm 17/5, Chủ tịch FED Jerome Powell đã khẳng định FED sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi có bằng chứng “rõ ràng và thuyết phục” rằng lạm phát đang thoái lui.
Theo khảo sát của CME Group, thị trường cho rằng FED có thể nâng lãi suất điều hành thêm 1,75-2 điểm phần trăm trong những tháng cuối năm 2022 lên biên độ mới trong khoảng 2,5-3,0%.
Các quan chức của FED cũng quyết định giảm quy mô bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương từ tháng 6/2022, bắt đầu với mức 47,5 tỷ USD mỗi tháng, trong đó bao gồm 30 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp. Sau 3 tháng sẽ tăng lên mức 95 tỷ USD mỗi tháng, bao gồm 60 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 35 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.
Theo kế hoạch này, FED có thể thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của mình khoảng 427,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022. Quy mô này tương đối nhỏ, chỉ tương đương 5% quy mô bảng cân đối kế toán của FED hiện tại. Do đó, VNDirect nhận định tác động đến tính thanh khoản của thị trường tài chính toàn cầu là không lớn.
5 tác động lớn với kinh tế Việt Nam
Theo VNDirect, việc FED tuyên bố lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ như vậy có nguy cơ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện: mặt bằng lãi suất trong nước, tỷ giá hối đoái, hoạt động xuất khẩu, dòng vốn đầu tư và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ cũng như doanh nghiệp.
Về mặt bằng lãi suất, việc FED tăng lãi suất cơ bản liên tục sẽ gây áp lực lên lãi suất trong nước. Tính đến ngày 26/4/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021 trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 0,14 và 0,13 điểm phần trăm so với mức cuối năm 2021.
Các chuyên gia từ VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động trong nước sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát hiện hữu trong những quý tới. Tuy nhiên, kỳ vọng mức tăng sẽ không lớn, khoảng 0,3-0,5 điểm cơ bản cho cả năm 2022. “Chúng tôi cho rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5-5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm”, báo cáo của VNDirect nêu rõ.
Về nghĩa vụ trả nợ; VNDirect cho rằng sự mạnh lên của đồng USD cũng làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của chính phủ và doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ước tính của VNDirect, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao hơn, VNDirect nhận định.
Về tỷ giá hối đoái, vào ngày 31/4/2022, chỉ số đồng USD (đo sức mạnh của đồng USD so với rổ tiền tệ) đã lên mức 103 điểm, mức cao nhất trong 20 năm. Đồng USD mạnh kéo tỷ giá USD/VND tăng khoảng 0,6% trong 4 tháng đầu năm 2022.
VNDirect dự báo sự mạnh lên của đồng USD cũng được dự báo sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái trong nước. Tuy nhiên, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và các yếu tố cơ bản để giữ cho VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối cao.
Trong cập nhật vĩ mô tháng 5, VNDirect kỳ vọng thặng dư tài khoản vãng lai sẽ tăng lên 1,9% GDP vào năm 2022 từ mức thâm hụt dự kiến là 1,0% GDP vào năm 2021. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 122,5 tỷ USD vào cuối năm 2022 (tương đương 4,0 tháng nhập khẩu) từ mức hiện tại là 105 tỷ USD. Do đó, nhóm nghiên cứu nhận định tỷ giá USD/VND ổn định ở mức 22.600-23.050 vào năm 2022 và VND có thể dao động trong biên độ tương đối hẹp (+/-1%) so với USD.
Về hoạt động xuất khẩu, do triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới ảm đạm hơn trong môi trường tài chính toàn cầu thắt chặt, VNDirect dự báo nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể thấp hơn trong những quý tiếp theo do nhu cầu chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh giảm. “Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chậm lại trong những quý tới do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu”, báo cáo của VNDirect dự báo.
Về tác động đến thị trường tài chính, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) dự báo có thể tiếp tục bị rút ròng trong những tháng tới do ảnh hưởng của “taper tantrum” (cơn giận dữ thị trường khi FED siết chính sách tiền tệ).
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây nên tác động của việc khối ngoại bán ròng trong năm nay sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị trước. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng do nước ta vẫn được đánh giá là điểm đầu tư hấp dẫn trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.