Nỗi đau của các nhà bán lẻ có thể 'hạ nhiệt' FED trên đà siết chính sách tiền tệ mạnh tay
Triển vọng tiêu dùng ảm đạm có thể là tín hiệu lạc quan với FED
Trong bối cảnh lạm phát Mỹ dai dẳng và chuỗi cung ứng tiêu dùng đối diện nhiều thách thức, người Mỹ đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu hàng hóa và tăng cường bỏ tiền cho các dịch vụ như du lịch. Đây rõ ràng là tín hiệu xấu với triển vọng kinh doanh của các nhà bán lẻ.
Trong nhiều tháng, các nhà kinh tế Mỹ đã dự báo về nguy cơ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa giảm dần và người Mỹ chuyển sang chi tiền cho các dịch vụ du lịch, giải trí. Giới chuyên gia kỳ vọng xu hướng này phần nào giúp giảm áp lực cho chuỗi cung ứng và kiềm chế lạm phát cầu kéo.
Dự báo này cuối cùng đã bắt đầu diễn ra, khi một số nhà bán lẻ hàng đầu thị trường báo cáo lợi nhuận giảm mạnh do chi phí nhiên liệu, lao động tăng trong khi doanh thu từ các mặt hàng đã mang về lợi nhuận lớn trong 2 năm qua lại giảm. Giám đốc điều hành Target Brian Cornell nhận định rằng người tiêu dùng đang giảm chi tiêu các mặt hàng có giá cao như TV để chuyển sang các dịch vụ du lịch, ăn uống tại nhà hàng… Các công ty đồng thời cảnh báo triển vọng kém khả quan trong những quý tiếp theo.
Thị trường đã phản ứng với những dự báo ảm đạm này. Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 3% trong phiên 18/5, Dow Jones tụt hơn 1.164 điểm và ghi nhận phiên giao dịch tệ nhất kể từ năm 2020.
Từ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, bất kỳ sự suy giảm nào về nhu cầu hàng hóa đều có thể là tích cực, bởi nó tác động làm giảm lạm phát cầu kéo trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đang dao động quanh mức kỷ lục 4 thập kỷ suốt vài tháng qua. Ngoài ra, nhu cầu hàng hóa hạ nhiệt cũng sẽ giảm bớt áp lực cho thị trường vận chuyển và lao động.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây là trong khi triển vọng ngành bán lẻ ngày một ảm đạm, liệu kỳ vọng giảm phát như vậy đã đủ nhanh so với kỳ vọng của Cục Dự trữ Liên bang (FED) hay chưa?
Tờ Bloomberg nhận định rằng chưa rõ xu hướng chuyển dịch khỏi hàng tiêu dùng để chi tiêu cho dịch vụ của người Mỹ sẽ diễn biến với tốc độ ra sao, và có làm giảm áp lực lạm phát như kỳ vọng hay không. Nhưng một điều đáng lạc quan là bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát có thể chậm lại sẽ là tín hiệu tích cực với FED trong bối cảnh ngân hàng trung ương ngày càng quyết liệt ổn định mặt bằng giá.
Trước đó, hôm 17/5, Chủ tịch FED Jerome Powell đã khẳng định FED sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi có bằng chứng “rõ ràng và thuyết phục” rằng lạm phát đang thoái lui.
Niềm tin doanh nghiệp đang ở mức rất thấp
Một cuộc khảo sát gần đây của Conference Board cho thấy khoảng 68% CEO các doanh nghiệp được hỏi lo ngại rằng nỗ lực kiểm soát lạm phát từ đỉnh 4 thập kỷ về gần mức mục tiêu 2% của FED sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế. Trong đó, 11% lo ngại một cuộc suy thoái sâu, trong khi số còn lại cho rằng Mỹ có thể chỉ trải qua một đợt suy thoái ngắn và nhẹ nhàng.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy khoảng 60% CEO tin rằng các điều kiện kinh tế sẽ xấu đi trong quý tiếp theo, tăng đột biến từ con số 23% trong cuộc khảo sát hồi quý I.
Khảo sát được thực hiện với 133 CEO các công ty niêm yết lớn trong khoảng thời gian 25/4-9/5. Kết luận từ kết quả thăm dò, Conference Board cho rằng niềm tin của các nhà lãnh đạo đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch COVID-19.
Không chỉ giới điều hành doanh nghiệp, một số nhà kinh tế cũng đang lo nguy cơ suy thoái. Chẳng hạn, nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas của RSM nhận định một cách hình tượng rằng FED đang kỳ vọng hạ cánh nhẹ nhàng trong khi “đeo găng tay đấm bốc”, và rằng rất khó để FED kiểm soát lạm phát hiện nay bằng một cú hạ cánh mềm như vậy.
Các chuyên gia từ Goldman Sachs và nhiều ngân hàng toàn cầu cũng cảnh báo nguy cơ suy thoái và thậm chí là lạm phát đình trệ. Lạm phát đình trệ được xác định bằng 3 biến số: tăng trưởng GDP (giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại một quốc gia), thất nghiệp và lạm phát (phản ánh sự giảm sức mua đồng tiền). Một khi tăng trưởng GDP giảm trong khi thất nghiệp và lạm phát tăng, nền kinh tế được xác định rơi vào lạm phát đình trệ.