FED tính hút bớt tiền khỏi nền kinh tế, phố Wall lập tức đỏ sàn, giới chuyên gia cũng quan ngại
Bảng cân đối kế toán phình to gấp đôi trong 2 năm, FED cho rằng đã đến lúc hút tiền về
Vào tháng 2/2020, ngay trước thềm đại dịch bùng phát mạnh ở Mỹ, bảng cân đối kế toán của FED đã duy trì ở mức 4,17 nghìn tỷ USD. Nhưng trước cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ gây ra bởi đại dịch COVID-19, Chính phủ Mỹ buộc phải kích hoạt các gói hỗ trợ tài khóa quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử, chấp nhận thâm hụt ngân sách liên bang tăng mạnh.
Để hỗ trợ những động thái tài khóa của Chính phủ Mỹ, FED tiến hành mua một lượng lớn tài sản nhằm bơm thanh khoản ra thị trường. Kết quả, cung tiền M2 tăng vọt lên mức 21 nghìn tỷ USD tính đến tháng 11/2021 từ mức chỉ 15 nghìn tỷ USD vào tháng 1/2020. Hết năm 2021, tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ đạt 137,2%, mức cao nhất mọi thời đại; bảng cân đối kế toán của FED cũng phình to lên gần 9 nghìn tỷ USD.
Đáng chú ý, bên cạnh việc bơm thanh khoản, tháng 8/2020, FED còn sửa đổi và bổ sung một số điều khoản trong “Tuyên bố về các mục tiêu dài hạn và chiến lược chính sách tiền tệ”, trong đó cho phép các giai đoạn lạm phát dưới 2% bù đắp cho các giai đoạn lạm phát trên 2%, miễn sao lạm phát mục tiêu trong dài hạn vẫn ở mức 2%. Động thái này mở đường cho một giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ suốt 2 năm của Mỹ, khi FED tin rằng lạm phát chỉ là vấn đề mang tính “nhất thời” và sẽ hạ nhiệt hay khi chuỗi cung ứng phục hồi.
Không như FED kỳ vọng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng vọt 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Cùng kỳ, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng 10%. Trước đó, Chủ tịch FED Jerome Powell đã phải lên tiếng thừa nhận đã đến lúc thôi dùng từ “nhất thời” khi nói về lạm phát.
Trong cuộc họp vào giữa tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên kể từ năm 2018, FED quyết định nâng lãi suất cơ bản 0,25% và dự báo tiến hành 6 lần nâng lãi suất khác trong năm nay, mức tăng 0,25% mỗi lần. Việc tăng lãi suất được FED tiến hành ngay khi chương trình mua tài sản (nới lỏng định lượng) trị giá 120 tỷ USD hàng tháng kết thúc. Nhiều ngân hàng thậm chí đưa ra dự báo về một lộ trình tăng lãi suất “dốc” hơn, rằng FED có thể tăng lãi suất 0,5% mỗi lần trong hai cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5 và tháng 6 tới đây.
Nhưng chỉ tăng lãi suất là chưa đủ để ổn định mặt bằng giá quá nhiều biến động. Các thành viên Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc FED từng gợi ý rằng ngân hàng trung ương có thể thu hẹp bảng cân đối kế toán cùng thời điểm với tăng lãi suất.
Chẳng hạn, ông Christopher Waller, một thành viên Hội đồng Thống đốc FED gợi ý vào tháng 1/2022 rằng ông kỳ vọng bảng cân đối kế toán của FED giảm quy mô từ 37% GDP như thời điểm đó xuống còn khoảng 20% GDP, tức khoảng 6 nghìn tỷ USD. Trong tuần này, một thành viên khác của Hội đồng thống đốc FED là ông Lael Brainard cũng khẳng định việc thắt chặt chính sách tiền tệ đòi hỏi sự song hành của biện pháp tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Mức hút tiền gấp đôi năm 2017, thị trường và giới chuyên gia lo lắng
Trong biên bản cuộc họp tháng 3, các quan chức FED đồng thuận rằng tiến trình hút tiền về để thu hẹp bảng cân đối kế toán có thể bắt đầu từ tháng 5 tới với mức hút tiền khoảng 95 tỷ USD/ tháng. Trong 95 tỷ USD này, biên bản ước tính khoảng tối đa 60 tỷ USD là trái phiếu kho bạc và 35 tỷ USD còn lại là chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp.
Trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, FED mới chỉ một lần duy nhất thu hẹp bảng cân đối kế toán. Đó là vào năm 2017, khi bảng cân đối liên tục duy trì ở mức 4,5 nghìn tỷ trong 3 năm. Thời điểm đó, FED chỉ rút tối đa 50 tỷ USD/ tháng ra khỏi hệ thống tài chính. Tức tốc độ hút tiền lần này có thể gấp đôi thời điểm 2017.
Chiến lược gia cổ phiếu Quincy Krosby tại LPL Financial nhận định: “Biên bản của FED là lời cảnh báo đến bất kỳ ai tin rằng FED sẽ ôn hòa trong cuộc chiến chống lạm phát lần này. Thông điệp của FED đơn giản nói cho bạn rằng bạn đã sai”.
Cho đến khi chương trình mua tài sản kết thúc vào tháng trước, suốt 2 năm qua, hành động bơm thanh khoản của FED được coi là yếu tố chủ chốt để duy trì lãi suất ở mức thấp và thanh khoản dồi dào cho nền kinh tế. Do đó, không khó hiểu khi phố Wall phản ứng tiêu cực trước thông tin FED cân nhắc thu hẹp bảng cân đối kế toán, với mức hút tiền tới 95 tỷ USD hàng tháng.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đã tụt 144,67 điểm xuống 34.496,51. Chỉ số S&P 500 giảm 0,97% xuống 4.481,15 điểm và Nasdaq Composite giảm mạnh 2,22% xuống 13.888,82 điểm sau tin tức về động thái thắt chặt của FED.
Không riêng nhà đầu tư, một số nhà kinh tế cũng lo ngại việc thu hẹp bảng cân đối kế toán trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có tín hiệu giảm tốc có thể sẽ tác động tiêu cực đến thị trường lao động và các động lực tăng trưởng.
Ông Danielle DiMartino Booth, Giám đốc điều hành kiêm chiến lược gia trưởng tại Quill Intelligence nhận định: “Thách thức lớn nhất của FED lúc này là tìm ra một lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ đủ mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát, nhưng cũng đủ mềm mỏng để duy trì sự phát triển của thị trường tài chính. Bởi vì bất kỳ sự biến động nào của thị trường tài chính cũng có thể tác động đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”.
Nghĩa là FED sẽ phải rất thận trọng trong lộ trình thu hẹp bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỷ USD để biết rằng mức thu hẹp bảng cân đối kế toán như thế nào là phù hợp, và liệu những động thái mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ như vậy có đang đi quá xa so với điều kiện thị trường hay không.