Nguy cơ FED tăng lãi suất mạnh hơn nữa: Chuyên gia vẫn lạc quan về dòng vốn ngoại

Nguyễn Thị Thùy Dung 17:56 | 02/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giới chuyên gia thế giới dự báo khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) tiến tới lộ trình thắt chặt hơn chính sách tiền tệ. Ở trong nước, nhiều khả năng dòng vốn ngoại không chịu tác động lớn.

Tờ CNN (Mỹ) hôm 1/4 đăng bài viết tiêu đề: “Hãy sẵn sàng cho những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn của Cục Dự trữ Liên bang (FED)”; trong đó cho hay hàng loạt tổ chức nghiên cứu tại Mỹ bao gồm Công ty tư vấn RSM, Viện nghiên cứu Kroll… đang đặt cược vào khả năng FED tăng lãi suất 0,5% trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5 này.

Tờ Bloomberg cũng đưa tin tương tự, rằng hàng loạt ngân hàng như Goldman Sachs, JPMorgan, Morgan Stanley, BofA... kỳ vọng FED tăng lãi suất 0,5% mỗi lần trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5 và tháng 6 tới.

Nhiều nhà băng kỳ vọng lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ của FED trong năm nay (Ảnh: Bloomberg)

Trước đó, trong cuộc họp chính sách tiền tệ hồi tháng 3, FED đã nâng lãi suất cơ bản 0,25% và dự báo thêm 6 lần tăng lãi suất trong phần còn lại của năm, mức tăng mỗi lần 0,25%. Theo kịch bản này, FED kỳ vọng sẽ duy lạm phát bình quân cả năm 2022 của nước Mỹ khoảng 4,1% trong khi tăng trưởng GDP đạt khoảng 2,8% và tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 3,5%.

Ngày 16/3, FED tiến hành nâng lãi suất 0,25%, động thái nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018 (Ảnh: AFP)

Nguy cơ FED tăng lãi suất dồn dập: rủi ro cho nền kinh tế Mỹ

Câu hỏi đặt ra với thị trường lúc này: lộ trình tăng lãi suất dồn dập của FED liệu có giúp kiềm chế lạm phát tăng nóng tại Mỹ? Một số ý kiến cho rằng không thể. 

Ông Rex Nutting, chuyên gia kinh tế học Mỹ và là cây bút quen thuộc của tờ MarketWatch khẳng định: “Tăng lãi suất sẽ không giúp FED dập tắt ngọn lửa lạm phát mà thậm chí còn có nguy cơ xóa sạch hàng ngàn công việc”. 

Nguyên nhân khiến FED đưa ra lộ trình tăng lãi suất liên tục xuất phát từ luận điểm cho rằng môi trường lãi suất thấp đang kích thích chi tiêu vượt quá khả năng sản xuất của nền kinh tế, làm cầu vượt cung và giá cả tăng nhanh. Bằng cách tăng lãi suất, FED kỳ vọng sẽ nâng chi phí vay với người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó làm dịu mức tăng cầu.

Nhưng theo ông Rex Nutting, FED đang sai lầm khi “bắt bệnh” nền kinh tế, bởi nguyên nhân gây lạm phát hiện nay không đến từ nhu cầu tăng quá lớn mà do nguồn cung quá ít ỏi. "Tăng lãi suất có giúp kiểm soát lạm phát hiện tại hay không? Rõ ràng là không. Trên lý thuyết, chính sách tiền tệ sẽ giúp điều chỉnh nhu cầu trong nền kinh tế, nhưng có tác dụng rất hạn chế trong điều chỉnh nguồn cung”, vị này cho hay.

Thực tế trong năm qua, dù lãi suất cơ bản tại Mỹ được duy trì ở mức thấp nhất mọi thời đại, tăng trưởng tín dụng không quá lớn. Nợ thực tế của hộ gia đình chỉ tăng 2,2%/ năm trong 2 năm dịch bệnh, vay đầu tư kinh doanh thì tăng với tốc độ chậm nhất trong 8 năm. Điều này lý giải phần nào nhận định rằng nguyên nhân gây lạm phát không xuất phát từ phía cầu.

Cũng theo ông Rex Nutting, thay vì tăng lãi suất, kiểm soát đại dịch hiệu quả và giải quyết vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng mới là giải pháp bền vững vừa giúp kiềm chế lạm phát, vừa thu hút hàng triệu lao động trở lại thị trường việc làm.

Lạm phát tại Mỹ đã lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ, và FED tin rằng tăng lãi suất mạnh mẽ là chìa khóa bình ổn thị trường giá 

Ở một góc nhìn khác, nột số nhà phân tích tin rằng động thái tăng lãi suất có thể giúp FED kiềm chế lạm phát, nhưng nền kinh tế Mỹ sẽ phải trả giá đắt.

Vào tháng 2, đáp trả phát ngôn của Chủ tịch FED Jerome Powell rằng khả năng xảy ra suy thoái không cao do tổng cầu đang mạnh mẽ; bà Kathy Jones, chiến lược gia trưởng tại công ty tài chính đa quốc gia Mỹ Charles Schwab nói: “Tăng lãi suất cơ bản liên tục để kiềm chế lạm phát mà tăng trưởng GDP và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định? Thật khó tin”.

Cũng mang sự hoài nghi tương tự, nhóm nghiên cứu từ Quỹ Franklin Templeton Investments nhận định: “Chúng tôi đồng tình với FED rằng nâng lãi suất huy động về vùng trung lập càng nhanh càng tốt có thể giúp ổn định trên thị trường giá, nhưng điều đó không dễ dàng. Hiện tại, chúng tôi nhận thấy 2 mặt của rủi ro: hoặc FED thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, hoặc lộ trình thắt chặt của FED không đủ nhanh khiến lạm phát tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài”.

Nhóm này lý giải rằng về mặt lý thuyết, động thái tăng lãi suất cơ bản của FED sẽ tạo thành hiệu ứng domino làm tăng chi phí vay cho người tiêu dùng, từ đó gây áp lực đến chi tiêu tiêu dùng. Bản chất các biện pháp kiềm chế lạm phát cũng sẽ kéo theo sự suy giảm nhu cầu hàng hóa, vô hình chung kéo lùi một động lực đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế Mỹ.

Lãi suất tại Mỹ tăng cao: không lo vốn ngoại “tháo chạy” khỏi Việt Nam

Trước tín hiệu thắt chặt tiền tệ từ hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu bao gồm FED, BOE (Ngân hàng trung ương Anh) và ECB (Ngân hàng trung ương châu Âu), cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trong báo cáo vĩ mô mới nhất, nhóm phân tích của công ty chứng khoán VNDirect nhận định khả năng cao NHNN không nâng lãi suất trong ít nhất nửa đầu năm 2022. Tương tự, nhóm nghiên cứu từ Chứng khoán KBSV và Chứng khoán VCBS cũng cho rằng định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất đến hết quý II/2022.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế trong nước đều cho rằng việc các nền kinh tế lớn nâng lãi suất sẽ không gây tác động theo hướng hút dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam.

Giới chuyên gia nhận định lập trường siết chính sách tiền tệ của FED không ảnh hưởng nhiều đến thu hút vốn ngoại vào Việt Nam

Trao đổi với Doanhnhanvn.vn, TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công (Học viện Tài chính) cho rằng tiềm năng thị trường Việt Nam trong dài hạn sẽ là yếu tố giữ chân nhà đầu tư ngoại và ngăn cản rủi ro dòng vốn ngoại tháo chạy để hồi hương.

Đồng quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chỉ ra rằng số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy vốn FDI vào Việt Nam trong quý I/2022 mặc dù có giảm đáng kể (tổng vốn đăng ký tính đến ngày 20/3/2022 đạt 8,9 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021 - PV) nhưng mức giảm là do cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 2 dự án FDI quy mô rất lớn vào Việt Nam là dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II do Singapore đầu tư và dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II do Nhật Bản đầu tư, làm vốn đăng ký cấp mới trong kỳ giảm mạnh 55,5%. Còn trên thực tế, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đầu tư tiềm năng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Về vốn FII, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, sau mức bán ròng kỷ lục năm 2021 để chốt lời, năm 2022 sẽ là cơ hội để khối ngoại trở lại mua ròng. Bằng chứng là trong quý I/2022, mặc dù khối ngoại vẫn bán ròng hơn 6,5 nghìn tỷ nhưng mức bán ròng này đã giảm gần 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Tôi cho rằng phần còn lại của năm 2022 sẽ là cơ hội cho sự trở lại mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại. Khối ngoại có khả năng sẽ mua ròng trong năm nay và duy trì đà mua ròng trong dài hạn, đây là một trong những yếu tố góp phần tăng thanh khoản và giúp thị trường lấy lại trạng thái ổn định trong tương lai”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.