Ford Việt Nam: Vị thế hàng đầu ngành ô tô, đứng đầu hàng loạt phân khúc HOT trên thị trường
Lịch sử hình thành và phát triển của Ford Việt Nam
Năm 1995, Ford Việt Nam được thành lập với tổng vốn đầu tư đến nay là hơn 126 triệu USD, là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Ford Motor có trụ sở ở Michigan, Hoa Kỳ (75%) và Công ty Diesel Sông Công (25%).
Đây là doanh nghiệp đầu tiên do công ty Hoa Kỳ đầu tiên đầu tư vào Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sở hữu hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và một nhà máy lắp ráp được đặt tại Hải Dương (cách Hà Nội 55km) với công suất đạt 14.000 xe một năm, hoạt động của Ford tại Việt Nam bao gồm lắp ráp xe hơi, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng.
Năm 1997, Ford Việt Nam đạt vị trí thứ 7 trên thị trường. Sau hơn chục năm phấn đấu, doanh nghiệp này ngày càng phát triển vững chắc. Tới năm 2015, Ford Việt Nam đã đạt tới vị trí thứ 3 với 10,4% thị phần, được dẫn dắt bởi mức tăng trưởng 3.1% so với cùng kỳ năm trước và mức tăng 70% của năm 2013, giao 20,700 sản phẩm đến tay những khách hàng tại Việt Nam, đạt mức tăng trưởng 40% so với năm 2014.
Trong hơn 25 năm hoạt động tại Việt Nam, Ford Việt Nam đã đạt được nhiều thành công, chiếm được sự tin tưởng, yêu mến của khách hàng.
Chưa dừng lại ở đó, tới thời điểm kết thúc năm kinh doanh 2020, đơn vị này đã ghi nhận tổng số lượng xe bán được trong cả năm đạt 24.660 xe, riêng quý IV ghi nhận mức tăng trưởng tới 37% so với quý trước. Trong đó, Ford Ranger tiếp tục giữ vững vị trí đầu bảng là xe bán tải bán chạy nhất tại Việt Nam, mẫu xe Explorer nhập khẩu từ Mỹ cũng giữ vững vị trí dẫn đầu phân khúc SUV cao cấp tại Việt Nam, Ford Transit tiếp tục đứng đầu phân khúc xe thương mại tại Việt Nam trong quý cuối năm 2020.
Hiện nay đang có khoảng 700 cán bộ công nhân viên làm việc tại 2 trụ sở và 1 nhà máy của Ford Việt Nam cùng với 5.000 lao động tại hệ thống các đại lý ủy quyền và trung tâm dịch vụ trên toàn quốc.
Ford là nhà sản xuất ô tô đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng chỉ chất lượng ISO 9001, ISO 14001 & QS 9000 và ISO/TS16949 – 2002.
Kể từ năm 1995, doanh nghiệp này đã nhiều lần vinh dự được nhận nhiều bằng khen và giải thưởng do chính phủ Việt Nam trao tặng, trong đó có Huân chương Lao động hạng nhì năm 2015, Huân chương Lao động hạng ba năm 2010, và giải thưởng Rồng Vàng 15 năm liên tiếp.
Các dòng sản phẩm hiện nay của Ford tại Việt Nam
Ranger với thương hiệu toàn cầu “Built Ford Tough”, được ra mắt vào tháng 8 năm 2018 và phiên bản hiệu năng cao Ranger Raptor được ra mắt vào tháng 10 năm 2018 – Là sản phẩm xe bán tải bán chạy nhất tại thị trường nước ta khi sở hữu gần 50% thị phần trong phân khúc xe bán tải Việt Nam.
Explorer ra mắt thị trường năm 2017 – Là sản phẩm SUV được trang bị động cơ EcoBoost 2.3L, nhập khẩu trực tiếp từ Hoa Kỳ, và đã liên tiếp dẫn đầu phân khúc SUV hạng sang.
Sự thành công của các dòng xe trong chiến lược như: Ford Fiesta , Ford Ranger, Ford Focus, Ford EcoSport, Ford Everest và Ford Explorer… đã cho thấy nhu cầu tiêu dùng Việt Nam được đáp ứng bởi các dòng xe Ford năng động.
EcoSport được ra mắt thị trường vào đầu tháng 3 năm 2018, được trang bị động cơ và hộp số hoàn toàn mới (Động cơ 1.0L EcoBoost hoặc 1.5L Dragon).
Transit – Trong suốt 3 năm vừa qua đã liên tiếp dẫn đầu phân khúc xe thương mại.
Everest được ra mắt vào tháng 8 năm 2018 – Đã tái định nghĩa phân khúc xe thể thao đa dụng nhờ được trang bị nhiều động cơ tiên tiến như động cơ Bi-turbo và hộp số tự động 10 cấp lần đầu tiên xuất hiện trong phân khúc, có nội thất cao cấp và tiện nghi, khả năng vận hành xuất sắc trên cả đường bằng và đường địa hình.
Focus – là một trong những sản phẩm bán chạy nhất trên toàn cầu với mức giá bán hấp dẫn, phù hợp với thị trường nội địa nước ta.
Vị thế Ford trên thị trường hiện nay
Trong 3 năm qua, trên thị trường Việt Nam, doanh nghiệp này luôn là một trong những thương hiệu xe hơi có tốc độ phát triển nhanh nhất.
Tại năm 2018, doanh số kết thúc năm là 24.636 xe Ford được giao tới tay khách hàng, đạt thị phần 8.6%. Tới năm 2020, dù đứng trước một giai đoạn đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vô cùng tồi tệ, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế trong và ngoài nước, Ford Việt Nam vẫn duy trì tốt vị thế của mình.
Cụ thể, doanh số năm 2020 với tổng số lượng xe bán được trong cả năm đạt 24.660 xe. Chỉ riêng kết quả bán hàng Quý IV tăng 37% so với quý trước. Trong đó, Ford Ranger tiếp tục giữ vững vị trí là chiếc xe bán tải bán chạy nhất tại Việt Nam, với doanh số tháng 12 đạt kỷ lục lên tới 2.221 xe, đồng thời đóng góp 13.291 xe vào doanh số cả năm 2020.
Về cơ sở, tính đến tháng 6/2019, Ford Việt Nam liên tục mở rộng hệ thống đại lý ủy quyền và trung tâm dịch vụ, với 41 cơ sở trên toàn quốc.
Các hoạt động và sáng kiến trách nhiệm cộng đồng của Ford đã mang đến những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của cộng đồng dân cư và xã hội Việt Nam. Ford là một trong những nhà đầu tư đóng góp nhiều nhất vào ngân sách của tỉnh Hải Dương – nơi Ford đặt nhà máy lắp ráp.
Từ vị trí thứ 7 trên thị trường, Ford Việt Nam đã vươn lên tới vị trí thứ 3 với 10,4% thị phần và tăng trưởng đều đặn.
Trách nhiệm trong vụ vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam
Cuối năm 2020, Ford Việt Nam đã để phát sinh lỗi nghiêm trọng liên quan để chủ quyền biển đảo Việt Nam khi in hình bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các sổ bảo hành trên dòng xe Ford Ecosport, theo phản ánh trên một số hội nhóm mạng xã hội.
Tới ngày 30/10, đại diện truyền thông của Ford Việt Nam thừa nhận những phản ánh của khách hàng là chính xác. Trên tất cả các dòng xe của Ford, tình trạng các cuốn sổ bảo hành bị thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều xảy ra hàng loạt, cả nhập khẩu và lắp ráp, giai đoạn từ 2018 trở về trước.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng giải thích thêm rằng, theo chính sách chung của Tập đoàn Ford, việc in bản đồ Việt Nam trên sổ bảo hành chỉ để thể hiện mạng lưới cơ sở dịch vụ của hãng này. Từ năm 2018, hãng đã phát hiện ra sai sót này và tìm cách đưa ra giải pháp khắc phục, trong đó, tất cả các số bảo hành đã in nhưng chưa phát hành đã tiến hành hủy bỏ ngay lập tức.
Hình ảnh bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên sổ bảo hành Ford.
Từ tháng 4/2019, tất cả sổ bảo hành theo xe đã được chỉnh sửa, bổ sung tên hai quần đảo chủ quyền Việt Nam vào bản đồ trước khi tới tay khách hàng.
Còn với những cuốn sổ bảo hành vi phạm chủ quyền biển đảo đang có mặt trên thị trường, Truyền thông Ford Việt Nam cũng cho hay, rất khó có thể nắm được số lượng chính xác vì rất nhiều người dân mua xe thông qua các cửa hàng, không hẳn là đại lý trực tiếp của Ford.
Tại thời điểm cuối năm 2020, Cục Đăng kiểm đã yêu cầu Ford Việt Nam giải trình thông tin sổ bảo hành vi phạm chủ quyền biển đảo.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong các Thông tư 54/2014/TT-BGTVT; Thông tư 25/2019/TT-BGTVT liên quan tới chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô do Bộ GTVT ban hành, không có quy định liên quan đến vấn đề bản đồ, chủ quyền. Tuy nhiên, sổ bảo hành cũng là một nội dung liên quan được quy định.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt là bao gồm trong đó có cả quy định liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu Ford Việt Nam khẩn trương làm việc với cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này và báo cáo kết quả tới Cục trong thời gian sớm nhất. Sau đó, căn cứ ý kiến kết luận của cơ quan có thẩm quyền, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ có biện pháp xử lý tiếp theo.
Xem thêm: Toyota, Honda, Ford đánh mất thị phần lớn vào tay các đối thủ Vinfast, Thaco và Hyundai Thành Công
Phương Thúy