FPT Software mở rộng tới New York, là doanh nghiệp Việt thứ hai có văn phòng tại đây
Ngày 15/5 đánh dấu việc FPT Software (công ty con của Tập đoàn FPT) mở chi nhánh tại New York. Trên thực tế, đây không phải là văn phòng đầu tiên của công ty này tại Mỹ.
FPT Software đã có mặt tại Mỹ từ năm 2007 với 9 văn phòng đại diện trước đó. Công ty hiện có khoảng 700 nhân viên trên đất Mỹ với khoảng một nửa là người bản xứ.
Năm 2021, FPT Software ghi nhận doanh thu tại Mỹ tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến quý I/2022, FPT Software tiếp tục báo cáo doanh thu tăng 60%. Công ty cũng kỳ vọng Mỹ có thể trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất trong tương lai.
Trước đó vào năm 2018, FPT Software từng đạt bước tiến lớn trong chiến lược toàn cầu hóa khi thực hiện thương vụ M&A, mua lại 90% cổ phần của Intellinet - một trong những công ty tư vấn công nghệ phát triển nhanh tại Mỹ.
FPT Software hiện là đối tác của 100 công ty trong danh sách Fortune Global 500 (top 500 công ty hàng đầu về doanh số trên thế giới).
New York hiện là một trong những thành phố năng động nhất nước Mỹ và cũng là nơi tọa lạc của nhiều công ty lớn hàng đầu thế giới. Văn phòng của FPT ở khu vực Midtown Mahattan, trung tâm tài chính, kinh doanh của thành phố.
FPT Software hiện là doanh nghiệp thứ hai của Việt Nam đặt văn phòng đại diện tại New York. Trước đó vào cuối năm 2019, Vietcombank đã khai trương văn phòng đại diện tại tòa nhà One Rockefeller Plaza, thuộc khu Trung tâm Manhattan, New York.
Thời điểm đó, Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đặt văn phòng tại Mỹ. Để văn phòng đi vào hoạt động, Vietcombank đã phải nộp đơn và được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức phê duyệt hồ sơ xin cấp phép vào tháng 10/2018.
Mỹ hiện là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt-Mỹ đạt 111 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ trước đó.
Trước Mỹ, Vietcombank cũng đã có mặt tại Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Lào và Australia. Mới đây, Vietcombank là một trong 5 doanh nghiệp Việt Nam lọt vào top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes; dựa trên 4 tiêu chí đánh giá là doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường.