GAS ước lãi ròng gần 12.000 tỷ trong năm 2023
Lãi ròng ước giảm 23% so với năm 2022
Theo thông tin từ chứng khoán SSI Research, lợi nhuận ròng sơ bộ năm 2023 của GAS ước đạt khoảng 11.600 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ nhưng vẫn vượt kế hoạch thận trọng của công ty 77%. Doanh thu ước tính giảm khoảng 7,5% đạt hơn 93.200 tỷ đồng.
Sản lượng tiêu thụ khí khô ước đạt khoảng 7,3 tỷ m3, giảm khoảng 5%, trong khi sản lượng tiêu thụ LPG ước tăng khoảng 20% đạt mức cao kỷ lục là gần 2,5 triệu tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đạt lần lượt là 1,6 triệu tấn và 900.000 tấn.
Trước đó, trong cuộc họp ĐHĐCĐ đầu năm, ban lãnh đạo nhận định nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt nguồn khí từ hệ thống Nam Côn Sơn 1 (Lô 06.1, Lô 11.2 và Lô 12W). Nguồn khí có giá rẻ giảm sâu, thay thế vào đó là nguồn khí có giá cao (Thiên Ưng, Đại Hùng, Sao Vàng - Đại Nguyệt, PM3 - Cà Mau) chiếm tỷ trọng lớn.
Sự phát triển nóng, mất cân đối của các loại hình năng lượng tái tạo đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi bức tranh tổng thể về nhu cầu và cơ cấu năng lượng trong nước. Nhu cầu khí/LNG cho công nghiệp và phát điện còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định gây khó khăn cho công tác xác định khối lượng LNG nhập khẩu trong ngắn và trung hạn.
Bên cạnh đó, thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn cung; giá LPG biến động thất thường khó dự đoán, rủi ro kinh doanh liên quan đến giá khá cao. Mặt khác hoạt động sử dụng trái phép thương hiệu PETROVIETNAM GAS vẫn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động kinh doanh LPG của PV GAS.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024
Theo kế hoạch kinh doanh sơ bộ, sản lượng tiêu thụ khí khô trong năm 2024 được đặt ở mức thận trọng là 6,3 tỷ m3, giảm hơn 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng dự kiến đạt 5.700 tỷ đồng (giảm 51%) trong kịch bản giá Brent trung bình ở mức 70 USD/thùng, hoặc đạt 6.800 tỷ đồng (giảm 41%) trong kịch bản giá Brent trung bình ở mức 80 USD/thùng.
Sản lượng tiêu thụ khí thấp hơn dự báo của SSI Research là 7,18 tỷ m3 và dựa trên sản lượng đăng ký của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 4,1 tỷ m3 (so với 5 tỷ m3 trong năm 2023) và chưa tính đến sản lượng LNG, do vậy có thể điều chỉnh tăng trong tương lai. Phương án cuối cùng sẽ phải được PVN cũng như ĐHCĐ thường niên 2024 thông qua.
Mảng LNG là tâm điểm trong 3 năm tới do chưa có mỏ khí lớn mới trong nước cho đến năm 2026-2027
Bên cạnh đại dự án Lô B hiện tại dự kiến sẽ khai thác dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026, Sư Tử Trắng 2B cũng là một dự án lớn đang được triển khai, với tổng sản lượng khai thác là 8 tỷ m3 và nguồn cung hàng năm là khoảng 1,2 triệu m3. Tuy nhiên, dự án dự kiến sẽ khai thác dòng khí lần đầu tiên vào năm 2027.
Trong vài năm tới, có thể có thêm một số nguồn khí từ một số bể nhỏ như Kình Ngư Trắng (năm 2024) ở vùng biển Đông Nam Bộ, như cũng như Nam Du-U Minh và Khánh Mỹ ở vùng biển Tây Nam, nhưng tổng nguồn cung của các bể khí nổi bật trong nước dự kiến vẫn sẽ giảm khoảng 500 triệu m3/năm trong 2-3 năm tới.
Nhờ đó, mảng LNG sẽ là nguồn bổ sung chủ yếu bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung trong nước trong những năm tới. GAS cho biết đã và đang làm việc với Chính phủ và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án LNG như cam kết sản lượng mua khí, hay chuyển giá khí vào giá bán điện.