Ôm 'núi' tiền, có doanh nghiệp bỏ túi nghìn tỷ từ lãi tiền gửi

Diên Vỹ 11:46 | 03/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
10 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất sàn chứng khoán với tổng cộng hơn 270.000 tỷ đã thu về hàng nghìn tỷ tiền lãi trong nửa đầu năm nay, theo báo cáo tài chính quý II đã công bố.

 

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đều đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Theo đó, top 10 doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền mặt và tiền gửi cao nhất toàn sàn vẫn là những cái tên quen thuộc như PV GAS (mã: GAS), ‘vua thép’ Hòa Phát (mã: HPG), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã: ACV)...  

 

Tại PV GAS (GAS), tính đến 30/6/2023, tổng lượng tiền và tương đương tiền cùng tiền gửi có kỳ hạn đã tăng 11% so với đầu năm, lên 40.767 tỷ đồng và chiếm 46% tổng tài sản; qua đó đưa doanh nghiệp trở thành đơn vị nắm giữ lượng tiền và tiền gửi lớn nhất trên thị trường. Trong đó, tiền và tương đương tiền là 12.499 tỷ đồng (gồm 1.758 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và 10.734 tỷ đồng tiền gửi các kỳ hạn dưới 3 tháng), tiền gửi có kỳ hạn (3-12 tháng) là 28.268 tỷ đồng. 

Khối tiền gửi này đã mang về cho PV GAS 1.033 tỷ đồng lãi tiền gửi trong nửa đầu năm, tức tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (539 tỷ đồng).

Tại Hòa Phát (HPG), đến hết quý II, tổng tiền và tương đương tiền cùng tiền gửi các kỳ hạn lên tới hơn 36.100 tỷ, tăng khoảng hơn 4% so với đầu năm. Trong đó bao gồm 12 tỷ đồng tiền mặt, 9.211 tỷ đồng tương đương tiền, 4.030 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 22.848 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.

Với số tiền gửi ngân hàng đáng kể, tính riêng quý II, 'vua thép' Hòa Phát ghi nhận tổng cộng 571 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay, tức tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lãi tiền gửi và cho vay này giúp HPG bù đắp tới hơn một nửa chi phí lãi vay trong quý (1.029 tỷ đồng). Tổng cộng nửa đầu năm, HPG ghi nhận 1.108 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay.

Tại Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã: ACV), đây cũng là gương mặt quen thuộc trong top những doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt và tiền gửi nhất sàn chứng khoán trong những quý gần đây. Tính đến 30/6/2023, ACV có 31.274 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cũng như tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, giảm 5% so với đầu năm và tương đương khoảng 49% tổng tài sản. Trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và có kỳ hạn, chỉ có khoảng 4 tỷ đồng là tiền mặt và tiền đang chuyển.

Khoản tiền gửi khổng lồ mang về cho ACV 828 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay trong 6 tháng đầu năm.

Còn tại Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), tính đến thời điểm 30/6/2023, doanh nghiệp đang nắm giữ 29.230 tỷ đồng tiền & tương đương tiền cùng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, tăng 17% so với đầu năm và chiếm khoảng 39% tổng tài sản.

Trong nửa đầu năm, BSR ghi nhận khoản lãi tiền gửi ngân hàng 763 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái khoản lãi tiền gửi ngân hàng chỉ mang về cho BSR 383 tỷ đồng).

Là cái tên cuối cùng trong top 5 doanh nghiệp có lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất sàn,  Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) ghi nhận tổng lượng tiền & tương đương tiền cũng như tiền gửi có kỳ hạn 27.169 tỷ đồng, tăng mạnh khoảng 45% so với đầu năm.

6 tháng đầu năm, Petrolimex thu về 524 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Những cái tên còn lại trong top 10 doanh nghiệp trữ nhiều tiền mặt và tiền gửi nhất sàn chứng khoán cũng bao gồm Tập đoàn FPT (mã: FPT) với 26.668 tỷ đồng,  CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) với 24.421 tỷ đồng,  Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) với 23.364 tỷ đồng, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) với 22.381 tỷ đồng, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) có 20.666 tỷ đồng.

Tổng cộng 10 doanh nghiệp này hiện đang nắm giữ hơn 270.000 tỷ tiền & tương đương tiền cùng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn tính đến hết quý II.