Giá BĐS Khánh Hòa biến động ra sao khi lên thành phố trực thuộc Trung ương?
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu Châu Á.
Vùng động lực phát triển ở Khánh Hòa sẽ tập trung vào Khu kinh tế Vân Phong với mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.
Phát triển TP Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.
Phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển TP Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế...
Bất động sản Khánh Hòa sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023?
Là một tỉnh miền Trung có nhiều ưu thế về vị trí, hạ tầng, lại được đẩy mạnh quy hoạch, những năm qua giá bất động sản tại Khánh Hòa diễn biến theo xu hướng tăng. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa bị ảnh hưởng trầm trọng. Thị trường căn hộ cho thuê, condotel gần như đóng băng, căn hộ ở cũng không sôi động do khan hiếm nguồn cung mới...
Bước sang năm 2023, một trong những yếu tố tích cực đầu tiên có vai trò quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản Khánh Hoà phát triển là các công trình giao thông trọng điểm được khởi công, triển khai xây dựng ngay từ đầu năm.
Ngày 1/1 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức khởi công dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đoạn Nha Trang – Vân Phong (thuộc tỉnh Khánh Hòa). Đây là dự án quan trọng của quốc gia với tổng mức đầu tư hơn 11.808 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, đoạn kết nối 2 địa phương Khánh Hoà và Đắc Lắk với tổng chiều dài 37 km, sẽ được xúc tiến triển khai từ năm 2023 với tổng mức đầu tư ước tính hơn 11.000 tỷ đồng. Được biết, tuyến đường bắt đầu từ xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và kết thúc tại xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Cả hai công trình giao thông lớn trên đều có vai trò đồng bộ, kết nối với hạ tầng giao thông chiến lược của đất nước như cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Khu kinh tế tổng hợp Vân Phong, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh… Từ đó, các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói riêng và khu vực nói chung được thúc đẩy.
Yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản Khánh Hoà không chỉ đến từ hai dự án giao thông lớn mà còn đến từ các động thái sát sao với thị trường của chính quyền. Trước thực trạng khó khăn của bất động sản, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Công văn số 59/UBND-XDNĐ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường Bất động sản và phát triển nhà ở.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương có liên quan khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn. Trên cơ sở đó, tháo gỡ khó khăn với từng dự án cụ thể theo thẩm quyền và đúng quy định pháp luật. Việc tháo gỡ này sẽ tạo tiền đề cho sự bùng nổ nguồn cung thời gian tới.
Trước đó, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 122 dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Danh mục 122 dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích trong thu hút đầu tư tại tỉnh Khánh Hòa, tạo nên những biến chuyển lớn của nền kinh tế tỉnh nhà, trong đó có bất động sản.
Dù có những tín hiệu tích cực nhưng bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc. Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, các phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, condotel, căn hộ khách sạn… vẫn ảm đạm, thanh khoản vô cùng nhỏ giọt. Phân khúc căn hộ chung cư thương mại cũng ghi nhận sụt giảm mạnh về lượng giao dịch.
Hiện đất nền là phân khúc vẫn có giao dịch dù không sôi nổi như hai năm trước đó. Tại thành phố Nha Trang, đất nền Phước Long, Phước Hải… có giá trị dưới 3 tỷ đồng/lô vẫn có hoạt động mua bán. Đất nền Diên Khánh vẫn ghi nhận giao dịch ở những lô có giá dưới 1,5 tỷ đồng/lô. Đất nền Cam Ranh, Cam Lâm vẫn thu hút mối quan tâm của khách hàng ở những lô có giá trị khoảng 2 tỷ đồng...
Mở cửa đón "đại bàng" đầu tư
Theo kế hoạch, tỉnh Khánh Hoà sẽ tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hoà năm 2023 vào ngày 2/4 tới đây.
Tại hội nghị lần này, tỉnh sẽ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) và ký các biên bản ghi nhớ đầu tư với nhiều doanh nghiệp lớn như CTCP FPT (Mã: FPT), Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC), CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC - Mã: BCM); CTCP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group)...
Cụ thể, tỉnh sẽ công bố phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư cho hai dự án gồm Khu đô thị (KĐT) ven Vịnh Cam Ranh (quy mô 1.250 ha, tống vốn đầu tư gần 85.294 tỷ đồng) và dự án KĐT hành chính Diên Khánh (quy mô 89 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.012 tỷ đồng).
Cũng tại Hội nghị tới, Khánh Hoà sẽ trao quyết định chấp thuận chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa (TP Cam Ranh) do CTCP Muối Cam Ranh làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 3.757 tỷ đồng; dự án KĐT sinh thái VCN của chủ đầu tư là CTCP Đầu tư VCN, quy mô 71,5 ha, tổng vốn đầu tư hơn 8.987 tỷ đồng; nhà máy chế biến thuỷ sản Tâm Như của công ty TNHH Thuỷ sản Tâm Như, vốn đầu tư 22 tỷ đồng và nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu Hồng Phát của công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Hồng Phát, tổng vốn 41 tỷ đồng.
Cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thắm (thuộc khu kinh tế Vân Phòng) của CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong, tổng vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng.
Dự án nhà máy sản xuất tháp gió và monopile của Tập đàn CS Wind (Hàn Quốc), quy mô 32 ha, tổng vốn đầu tư 130 triệu USD được dự kiến cấp GCNĐT hoặc ký biên bản ghi nhớ nếu chưa thực hiện xong thủ tục.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Dốc Đá Trắng của Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC), tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng dự kiến chấp thuận chủ trương của Thủ tướng, nếu chưa thực hiện xong thủ tục sẽ ký biên bản ghi nhớ. Các dự án thứ cấp tại Cụm công nghiệp Sông Cầu cũng được xem xét cấp GCNĐT nếu có.
Ngoài ra, Khánh Hoà cũng sẽ ký biên bản ghi nhớ về việc hộ trợ, tài trợ trong hoạt động xúc tiến đầu tư của Tập đoàn FPT; Công ty TNHH Mc Kinsey Việt Nam; các dự án khu công nghiệp như: KCN Nam Cam Ranh (350 ha) của CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam; KCN Ninh Sơn (480 ha) của CTCP SSI; KCN Xuân Sơn (300 ha) của CTCP Sinnec; KCN Ninh Diêm 1 (250 ha) và Ninh Diêm 2 (215 ha) của Becamex IDC; KCN Ninh Diêm 3 (290 ha) của CTCP Sonadezi,...
Bên cạnh đó là biên bản ghi nhớ với các dự án: Trường liên cấp Vinschool của Vingroup; tổ hợp đô thị - du lịch Hòn Lớn (4.800 ha) và Dự án Cảng hàng không tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh của Sun Group; tỏ hợp đô thị công nghệ phần mềm của Tập đoàn FPT; quần thể du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi sức khoẻ tiêu chuẩn quốc tế D-RETREAT Ninh Hòa của liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA và CTCP du lịch Thành Thành Công; khu cảng tổng hợp Ninh Tịnh (750 ha) của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn;...