TP Sông Công - Thái Nguyên: Điểm đến mới của các nhà đầu tư ngoại

Đông Bắc 14:18 | 29/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thành phố Sông Công hiện là trung tâm kinh tế công nghiệp phía Nam của tỉnh Thái Nguyên và đang hoàn thiện hạ tầng để lên đô thị loại II.

  

 TP Sông Công sắp lên đô thị loại II 

Tại Kỳ họp thứ 11 khóa XIV diễn ra ngày 24/3, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết về việc Thông qua Đề án đề nghị công nhận TP Sông Công là đô thị loại II.

Sau cuộc họp, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo tờ trình của Sở Xây dựng và UBND tỉnh Thái Nguyên, Sông Công là đô thị công nghiệp, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật khu vực phía nam của tỉnh. Thành phố này có vị trí thuận lợi khi nằm trong vùng Thủ đô, cách Hà Nội 65 km về phía bắc, cách trung tâm TP Thái Nguyên 20 km về phía nam, cách sân bay quốc tế Nội Bài 45 km, là đầu mối giao lưu phát triển kinh tế, có tác động hỗ trợ và thúc đấy tăng trưởng chung cho tỉnh Thái Nguyên và toàn vùng Hà Nội - Thái Nguyên - Băc Kạn - Cao Bằng.

Sau 38 năm xây dựng, phát triển thành phố đã từng bước điều hỉnh và hoàn thiện các đơn vị hành chính trực thuộc. Đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP Sông Công đã cơ bản hoàn thiện, diện mạo đô thị đã có bước thay đồi đáng kể.

 Nâng cấp thành phố Sông Công trở thành đô thị loại II. Ảnh BTN.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, đối chiếu với 5 tiêu chí, 63 tiêu chuẩn của đô thị loại II, về cơ bản Sông Công đã hội tụ đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại II. Do đó, việc lập đề án trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Sông Công là đô thị loại II là cần thiết.

Theo đề án, phạm vi lập đề án bao gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Sông Công với 10 đơn vị hành chính gồm 7 phường và 3 xã.

Tổng diện tích của Sông Công là 9.730,56 ha, dân số toàn đô thị năm 2022 là 128.357 người.

Theo chương trình phát triển đô thị TP Sông Công giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, TP Sông Công được xác định 8 khu vực phát triển:

Khu vực I là khu đô thị trung tâm với diện tích 942,53 ha; dân số đến năm 2030 là 54.993 người, đến năm 2040 đạt 78.635 người. Khu vực này gồm 4 đơn vị ở. Khu đô thị trung tâm với các chức năng hành chính - chính trị, văn hóa thể thao, dịch vụ trên cơ sở đã có các công trình hiện hữu.

Khu vực II là khu đô thị phía Nam có diện tích 754 ha, dân số 37.535 người (năm 2030), 44.190 người (năm 2040) gồm ba đơn vị ở. Khu cửa ngõ phía nam của thành phố kết nối với TP Phổ Yên có giao thông đi qua gồm đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường quốc lộ 3.

Khu vực III là khu phía đông có diện tích 909 ha, dân số 52.037 người, gồm ba đơn vị ở. Khu phía đông thuộc địa giới hành chính của phường Cải Đan, Bách Quang và một phần phường Lương Sơn, khu vực này có vị trí giao thông thuận lợi gồm đường Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Quốc lộ 3, đường ĐT 266 kết nối quốc lộ 37, đường quốc lộ 3 đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, Ga Lương Sơn.

Khu vực IV là khu đô thị sinh thái phường Lương Sơn với diện tích 1.382,20 ha; dân số 26.741 người (năm 2030), 21.393 người (năm 2040), gồm hai đơn vị ở.

Khu vực V là khu đô thị dịch vụ công nghiệp, tiện ích với diện tích 1.647,73 ha; dân số 21.624 người (năm 2030), 22.599 người (năm 2040) gồm hai đơn vị ở. Là khu vực đô thị phía bắc thành phố Sông Công, tại đây đã và đang triển khai nhiều dự án như: Khu công nghiệp Sông Công II, Cụm công nghiệp Bá Xuyên, Khu đô thị dịch vụ tiện ích Khu công nghiệp Sông Công II,...

Khu vực VI là khu đô thị sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Khu này có diện tích 1.011,40 ha; dân số 14.494 người (năm 2030), 10.736 người (năm 2040) gồm một đơn vị ở.

Khu vực VII là khu dân cư nông thôn đô thị hóa kết hợp với phát triển nông nghiệp sinh thái với diện tích 1.131,89 ha; dân số 7.298 người (năm 2030), 7.442 người (năm 2040) gồm một đơn vị ở.

Khu vực VIII là khu dân cư nông thôn đô thị hóa kết hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái thể thao Hồ Ghềnh Chè. Khu vực này có diện tích 494,85 ha; dân số đến năm 2040 khoảng 21.730 người.

 Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khi mới thông xe. (Ảnh: TTXVN).

Hoàn thiện đề án nâng cấp đô thị, hạ tầng

Xác định tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như đô thị, gần đây, TP Sông Công đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông, mở rộng liên kết với các vùng lân cận.

Theo đó, Dự án tuyến đường du lịch Sông Công – Núi Cốc trị giá trên 320 tỷ đồng được xem là điểm nhấn quan trọng. Từ đây, tăng cường kết nối phố Sông Công với Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, thành phố Thái Nguyên và các khu vực lân cận, góp phần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị để mở rộng không gian đô thị về phía Tây Bắc.

Những năm gần đây, TP Sông Công đã xây dựng và nâng cấp nhiều tuyến đường nội thị, nối các xã, phường, như: Đường Cách mạng Tháng Tám nối dài ĐT262 1,8 km; mở rộng nâng cấp tuyến đường Lương Sơn 2,4 km; đường Trần Phú 2 km; đường Thống Nhất kéo dài 0,9 km; đường đô thị dọc sông Công 2 km; đường vành đai khu công nghiệp 2,5 km...

Để tạo ra bước đột phá lớn về giao thông, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, thành phố đã đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP - hình thức hợp đồng BT đối với một số tuyến đường nội thị trên địa bàn.

Từ năm 2021 đến nay, TP Sông Công đã triển khai 4 dự án giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng. Qua đó, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân địa phương, mà còn tạo bộ mặt đô thị khang trang, góp phần thực hiện các tiêu chí nâng cấp TP Sông Công trở thành đô thị loại II.

Về mạng lưới giao thông đối ngoại, trên địa bàn TP Sông Công có các tuyến: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 3, quốc lộ 37, các đường tỉnh lộ 262 và 266.

Trong đó, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (quốc lộ 3 mới) đoạn qua thành phố dài 6,82 km, mặt đường bê tông nhựa rộng 2 x 9,5 m, lộ giới qua đô thị 50 m.

Quốc lộ 3 đoạn qua địa bàn Sông Công dài 9,2 km, mặt đường bê tông nhựa rộng 2 x 8,75 m, lộ giới qua đô thị 30 m.

Quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn thành phố dài 2,5km, mặt đường bê tông nhựa rộng 2 x 11,25 m, lộ giới qua đô thị 36 m.

Đường tỉnh lộ 262 qua địa phận Sông Công dài 5,8 km, mặt đường láng nhựa rộng 6 m, lộ giới qua đô thị 19,5 m. Tỉnh lộ 266 (Sông Công - Điềm Thụy, Phú Bình) thuộc địa giới hành chính thành phố Phổ Yên kết nối với đường Cách Mạng Tháng Mười của Sông Công.

Theo Quy hoạch chung TP Sông Công đến năm 2040, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sẽ được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hệ thống đường gom dọc tuyến, kết hợp với nút giao vượt đường cao tốc nhằm đảm bảo lưu thông giữa phía đông và phía tây thành phố. Quốc lộ 37 và tỉnh lộ 262 cũng sẽ được nâng cấp, cải tạo.

 Năm 2022, TP Sông Công thu hút được 5 dự án đầu tư mới vào KCN Sông Công I và II. Ảnh BXD.

Thu hút nguồn lực vào bất động sản khu công nghiệp

Là đô thị vệ tinh nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, TP Sông Công là một trong những "thành phố trẻ" có bước chuyển mình nhanh chóng và tích cực bậc nhất Thái Nguyên.

Đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp. Từ một địa phương chỉ có một cụm công nghiệp (CCN) Gò Đầm với 3 doanh nghiệp đầu tiên, đến nay TP Sông Công đã có 2 khu công nghiệp (KCN) tập trung gồm KCN Sông Công I quy mô 220 ha và KCN Sông Công II diện tích 250 ha (giai đoạn 1), cùng 4 CCN, trên 400 đơn vị sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trong và ngoài tỉnh.

Hiện giai đoạn 2 mở rộng KCN Sông Công II đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Khi hoàn thiện, KCN này sẽ có quy mô lên tới 550 ha, trở thành KCN lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên.

Với những điểm sáng từ quy hoạch, chính sách, những năm gần đây, Sông Công được ví như "thỏi nam châm" thu hút dòng vốn FDI của tỉnh. Theo đó, đến cuối năm 2022, khu công nghiệp Sông Công I có 102 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 58 triệu USD và trên 7.700 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 54%; Khu công nghiệp Sông Công II (giai đoạn 1) có 18 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.100 triệu USD và 804 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 97%...

Không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp, mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị dịch vụ số 1, xã Tân Quang, TP Sông Công.

Cụ thể, quy mô dân số khoảng 5.100 người với tổng diện tích của dự án gần 31,5 ha, trong đó đất ở gần 13,2 ha; đất công cộng 2,42 ha; đất cây xanh 2,79 ha; đất hạ tầng kỹ thuất 1,54 ha; đất trường học 1,02 ha; đất giao thông 10,57 ha.

Về quy mô kiến trúc xây dựng dự kiến, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên tổng diện tích đất đề xuất dự án là 31,5 ha. Tổng chi phí thực hiện dự án sơ bộ (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) hơn 2.278 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2023 - quý III/2026.

 

Quy hoạch Thái Nguyên lên thành phố thuộc Trung ương

Ngày 14/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên là 352.196 ha, với 9 đơn vị hành chính gồm: 3 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 6 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đông Hỷ, Đại Từ, Phú Bình).

Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội...

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050 phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.