Gia cố bộ đệm, ngân hàng chuẩn bị "sức khỏe" cho áp lực sắp tới
Mạnh tay trích lập dự phòng
Tính đến hết quý III/2022, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng được khảo sát đã tăng 28,4% so với đầu năm, lên mức gần 129.800 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh tới 62,5% so với đầu năm, lên gần 72.400 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng nợ xấu ngân hàng.
Trước sự tăng nhanh của nợ xấu, có 14 trong số 27 ngân hàng đã tăng mạnh nguồn dự phòng rủi ro. Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dẫn dầu với tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu lên tới 402%, có nghĩa là cứ mỗi 100 đồng nợ xấu, ngân hàng này có đến 402 đồng dự phòng.
Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), tỷ lệ này tăng từ mức 180% hồi cuối năm 2021 lên thành 250% sau 9 tháng năm 2022. Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện là 214%.
Một số ngân hàng cũng ghi nhận tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu ở mức cao như tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là 208%, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) là 190%, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là 165%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là 154%…
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được coi là “thước đo” đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu. Theo giới chuyên gia, tỷ lệ này càng cao, càng phản ánh sức khỏe nội tại của ngân hàng.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá: "Dù nợ xấu có gia tăng trong quý III/2022, nhưng tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng vẫn được đảm bảo tốt và cao hơn so với thời điểm cuối năm 2020 và 2021 là một tín hiệu tích cực khi các ngân hàng đã có sự chuẩn bị trước đối với những rủi ro nợ xấu gia tăng trong tương lai".
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu từng chia sẻ với báo chí: "Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy sự sẵn sàng của ngân hàng cho việc dùng khoản dự phòng đã trích lập để xóa các món nợ khó thu hồi.
Đây là "của để dành", là bộ đệm cho những cú sốc trong tương lai. Một phần trong khoản trích lập này có thể được hoàn nhập trở lại khi thu hồi được nợ, và chuyển hoá thành lợi nhuận. Mặt khác, tỷ lệ này cũng cho thấy lợi nhuận ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng nếu tất cả nợ xấu trở thành không thu hồi được, vì ngân hàng đã dự phòng đầy đủ trước rồi".
Sẵn sàng trước áp lực
Có thể thấy phần lớn các ngân hàng đều đã có sự chuẩn bị, duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, gia cố bộ đệm vững chắc khi các khoản nợ tái cơ cấu hoặc nợ có vấn đề chuyển nhóm nợ xấu trong tương lai. Nhưng theo giới chuyên gia, tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng nợ xấu.
Do đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hết hiệu lực, nhiều ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng cho nợ cơ cấu nên lợi nhuận sẽ không chịu áp lực từ vấn đề này. Nhưng những ngân hàng chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng chi phí tín dụng gia tăng.
Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, lợi nhuận tăng cao trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho ngân hàng xây dựng bộ đệm dự phòng vững chắc. Điều này phản ánh rõ ở tỷ lệ bao phủ nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, những diễn biến khó lường trong thời gian sắp tới có thể khiến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng không còn mạnh mẽ được như trước, nợ xấu nguy cơ gia tăng và bộ đệm dự phòng có thể sẽ mỏng dần.
Trong báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), các chuyên gia phân tích cũng dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như 2 năm trước đó. Lí do đưa ra là bởi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và lợi nhuận biên chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, áp lực về lãi suất có thể kéo dài sang nửa đầu năm 2023 phụ thuộc vào động thái điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Thêm nữa, chi phí lãi vay cao hơn đang làm giảm khả năng sinh lời của doanh nghiệp và gia tăng áp lực nợ vay. Mặt khác, tín dụng ngân hàng hạn hẹp và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong thu xếp nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Điều đó có thể tác động xấu lên chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023 trở đi.
Tuy nhiên, bà Hiền lạc quan rằng các ngân hàng có chất lượng tài sản lành mạnh sẽ có lợi thế trong việc đối mặt với rủi ro này. Lợi nhuận ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định nếu ngân hàng đó nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao, tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) thấp, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay dài hạn thấp./.