Giá sản xuất tại Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong gần hai năm

Minh Trang/ TTXVN 07:49 | 10/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá sản xuất tại Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong gần hai năm vào tháng 10/2022, khi giá hàng hóa toàn cầu giảm đã tác động tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang chịu nhiều tổn thương do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ liên quan đến dịch COVID-19.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 10/2022 đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy chỉ số này vào vùng âm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020. Con số này trái ngược so với mức tăng 0,9% của tháng Chín.

Nhà thống kê Dong Lijuan của NBS cho biết: “Vào tháng 10/2022, nhu cầu trong một số ngành đã tăng và chỉ số PPI quốc gia tăng nhẹ so với tháng trước. Nhưng do cơ sở so sánh cao so với cùng kỳ năm ngoái, con số hàng năm đã đi từ tăng trưởng thành suy giảm".

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết: “Lạm phát giá sản xuất có khả năng tiếp tục giảm trong những quý tới do giá hàng hóa toàn cầu hạ nhiệt. Chúng tôi dự đoán PPI sẽ tiếp tục duy trì ở mức âm trong suốt những tháng cuối năm và phần lớn của năm 2023".

Cũng trong tháng 10 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng - thước đo chính cho lạm phát giá bán lẻ của Trung Quốc- đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức cao nhất trong hai năm của tháng Chín là 2,8%.

Người tiêu dùng ở Trung Quốc phần lớn không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng giá lương thực và năng lượng trên toàn cầu sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ông Dong nói: “Dưới tác động của các yếu tố bao gồm nhu cầu tiêu dùng giảm sau kỳ nghỉ lễ quốc khánh và cơ sở so sánh với năm ngoái khá cao, việc tăng giá tiêu dùng phần nào đã giảm trở lại”.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng áp dụng chiến dịch "Không COVID" (Zero COVID). Chính quyền ở nhiều địa phương tại Trung Quốc thường xuyên thông báo chính sách đóng cửa các cơ sở kinh doanh và buộc người dân ở tại nhà trong thời gian ngắn. Phần lớn các khu vực của Trung Quốc vẫn nằm dưới sự bó buộc của các hạn chế đi lại, các chuỗi cung ứng quốc tế đang bị tắc nghẽn kéo dài và nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng.

Nền kinh tế Trung Quốc đánh bại kỳ vọng với mức tăng trưởng 3,9% trong quý III/2022, nhưng các nhà phân tích cho rằng đà tăng trưởng của nước này trong năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng chính thức là khoảng 5,5%.