Giá vàng giằng co giữa rủi ro địa chính trị và sức mạnh kinh tế Mỹ

Những thỏi vàng được trưng bày tại Cục Khắc và In ấn Hoa Kỳ ở Washington, DC. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Khoảng 0 giờ 53 phút sáng ngày 19/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên mức 3.351,18 USD/ounce, sau khi đã giảm 1,1% trong phiên trước đó. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng chốt phiên tăng 0,39% lên mức 3.358,3 USD/ounce.
Nhà phân tích Edward Meir từ công ty dịch vụ tài chính Marex cho biết thị trường kim loại quý hầu hết đều ghi nhận đà tăng, chủ yếu nhờ vào đồng USD yếu hơn. Chỉ số đồng USD, thước đo đồng bạc xanh với rổ tiền tệ chính, đã giảm 0,3%, khiến vàng trở nên rẻ hơn cho các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Bà Suki Cooper, chuyên gia phân tích kim loại quý tại Ngân hàng Standard Chartered, nhận định những lo ngại xung quanh nợ công của Mỹ gia tăng và các diễn biến mới về chính sách thuế quan của Mỹ có thể sẽ tiếp tục giữ vàng trong tâm điểm chú ý. Hiện tại, ngưỡng hỗ trợ của giá vàng khá vững chắc.
Về thuế quan, Indonesia vẫn đang hoàn thiện các chi tiết trong thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, trong khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với Thủ tướng Nhật Bản rằng một "thỏa thuận tốt" là khả thi.
Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhưng vẫn để ngỏ khả năng này và một lần nữa chỉ trích ông Powell vì đã không cắt giảm lãi suất. Hiện tại, các nhà đầu tư đang kỳ vọng Mỹ sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm, với tổng mức giảm là 50 điểm cơ bản.
Vàng thường hưởng lợi trong giai đoạn kinh tế bất ổn, và lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư vì đây là một tài sản không sinh lời.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạch kim giao ngay giảm 2% xuống còn 1.428,65 USD/ounce, sau khi đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2014 vào đầu phiên này. Ông David Wilson, Chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường BNP Paribas Markets 360 dự báo nhu cầu đầu tư vật chất và trang sức từ Trung Quốc sẽ giảm, dẫn đến giá bạch kim sẽ giảm trong quý III/2025.
Giá palladium giảm 1,6% xuống 1.259,09 USD/ounce, còn giá bạc tăng 0,3% lên 38,23 USD/ounce.
Thị trường vàng thế giới tuần qua đã trải qua một tuần giao dịch đầy biến động trước các thông tin trái chiều từ kinh tế, chính trị Mỹ và những căng thẳng địa chính trị leo thang.
Giá vàng giao ngay mở cửa phiên đầu tuần 14/7 quanh mốc 3.350,97 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất trong ba tuần. Áp lực chốt lời và đồng USD mạnh lên đã khiến giá vàng tiếp tục giảm trong phiên 15/7. Tuy nhiên, thị trường đã đảo chiều tăng vọt trong ngày 16/7, khi giá vàng giao ngay có thời điểm tăng 1,6% lên 3.354,01 USD/ounce.
Bước sang phiên 17/7, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống còn 3.334,19 USD/ounce. Ông Jigar Trivedi, chuyên gia phân tích hàng hóa cao cấp tại công ty tài chính Reliance Securities, cho biết giá vàng đã giảm xuống mốc 3.340 USD/ounce khi đồng USD lấy lại đà tăng sau khi sự bất ổn về vị trí của Chủ tịch Fed giảm bớt.
Giá vàng chốt phiên cuối tuần 18/7 ở mức 3.337,43 USD/ounce trước sức ép từ đồng USD mạnh và dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty thương mại hàng hóa kỳ hạn RJO Futures, cho biết sau khi dữ liệu mới nhất của Mỹ được công bố, đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đều tăng lên, từ đó gây ra một chút áp lực cho thị trường vàng.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã giảm trong tuần trước, cho thấy sự tăng trưởng việc làm ổn định trong tháng Bảy. Trong khi đó, dữ liệu doanh số bán lẻ cũng vượt kỳ vọng, tăng 0,6% vào tháng trước, mặc dù một phần của mức tăng này có thể là do sự gia tăng giá cả do thuế quan.
Thành viên Hội đồng thống đốc Fed, bà Adriana Kugler, nhận định rằng Fed chưa nên cắt giảm lãi suất trong một thời gian, do tác động từ các mức thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu ảnh hưởng đến giá cả.
Về mặt thương mại, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhật Bản đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ về các mức thuế quan. Nhật Bản đang chạy đua để tránh mức thuế 25% sẽ được áp đặt nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ trước thời hạn ngày 1/8.
Xuyên suốt tuần, yếu tố hỗ trợ chính cho vàng đến từ các mối đe dọa thương mại của chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt là cảnh báo áp thuế 30% lên hàng hóa Liên minh châu Âu (EU) và Mexico.
Nhà phân tích Jim Wyckoff của công ty kinh doanh kim loại quý Kitco Metals cho rằng chính sách thuế quan cứng rắn của Mỹ và bất ổn địa chính trị đang hỗ trợ giá vàng. Ngược lại, các dữ liệu kinh tế tích cực như số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm và doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng đã củng cố đồng USD, gây áp lực trực tiếp lên kim loại quý này.
Nhìn chung, thị trường vàng vẫn đang trong trạng thái giằng co giữa một bên là triển vọng kinh tế Mỹ vững chắc và một bên là những rủi ro địa chính trị, thương mại khó lường. Các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về lộ trình lãi suất của Fed và diễn biến những cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và các nước.