Giải 'bài toán khó' nguyên liệu cho doanh nghiệp gỗ và dệt may khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Lạc Lạc 09:33 | 08/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong năm 2023, theo đánh giá của Bộ Công Thương, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục duy trì ở mức trên 100 tỷ USD. Tuy nhiên, những khó khăn còn khó lường, nhất là sự thay đổi của các quy định, đạo luật sẽ là sức ép không nhỏ tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn lại kết quả xuất khẩu ngành gỗ và dệt may sang Hoa Kỳ nửa đầu năm 2023

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ 7 tháng đầu năm đạt 52,4 tỷ USD. Xuất siêu ước đạt 44,3 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

 Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ có xu hướng tăng dần qua từng năm. Ảnh: Trang Mai tổng hợp từ Tổng cục Thống kê

 

Tuy vậy trong kỳ, đa số sản phẩm xuất khẩu của nước ta sang thị trường này đều giảm sút, trong đó đáng kể nhất là mặt hàng gỗdệt may.

Trao đổi tại Tọa đàm “Nâng cao khả năng cạnh tranh của hoạt động logistics Việt Nam với thị trường Hoa Kỳ”,ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), nhận định rằng Hoa Kỳ là thị trường rất lớn của ngành công nghiệp gỗ, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ thường chiếm khoảng 50-55% tổng giá trị xuất khẩu, và sản lượng nhập từ nước ta cũng chiếm 35-40% tổng giá trị của thị trường này.

Năm ngoái, dù trong bối cảnh mới qua đại dịch, nhưng Việt Nam đã xuất khẩu được 8,3 tỷ USD. Đặc biệt là năm 2021 (thời điểm giữa đại dịch), kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD. Tuy nhiên, sự chững lại đã thể hiện rõ nét trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch giảm 32,8%, nếu so với tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ (21%) thì ngành gỗ có mức giảm sâu hơn. 

 Ảnh: Trang Mai tổng hợp từ Tổng cục Thống kê

Bên cạnh tình hình khó khăn chung thì sản phẩm gỗ thường “ăn” theo bất động sản, mà bất động sản của Hoa Kỳ những tháng vừa qua khá trầm lắng, tác động không nhỏ đến nhu cầu sử dụng mặt hàng này. 

Với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam thông tin: “Thị trường Hoa Kỳ là trọng điểm, trong những năm gần đây đều chiếm trên 40% tỷ trọng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Nếu nhìn xa hơn thì trước đây ngành dệt may xuất khẩu sang thị trường này không đáng kể. Ví dụ như năm 2001, thời điểm ký Hiệp định BTA song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 50 triệu USD. Đến năm 2013 đạt 8,6 tỷ USD. Tuy nhiên, sang năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đã đạt tới 17,8 tỷ USD.

"Từ “không có gì”, ngành dệt may đã có kim ngạch xuất khẩu chỉ đứng sau Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nằm trong bối cảnh khó khăn, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may 6 tháng đầu năm 2023 sang tất cả thị trường đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Riêng thị trường Hoa Kỳ, mức giảm khoảng 27%, một mức giảm khá lớn. Không riêng gì Hoa Kỳ, hầu hết thị trường lớn của ngành cũng sụt giảm, chỉ ngoại trừ Nhật Bản với mức tăng nhẹ 6%", ông Cẩm cho hay. 

Nhận diện nguyên nhân, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ: “Phải thừa nhận kết quả xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm kém tích cực do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải đặt quan hệ thương mại kinh thế Việt Nam - Hoa Kỳ trong bối tổng thể của nền kinh tế toàn cầu. Việc kinh tế thế giới (trong đó có Hoa Kỳ) đương đầu với lạm phát, lãi suất tăng cao kỷ lục, sự yếu kém của hệ thống tài chính ngân hàng trong giai đoạn đầu năm 2023, cũng như lượng hàng tồn kho quá mức đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá Trung Quốc. Đây là những nguyên nhân chính khiến tổng cầu thế giới giảm mạnh".

 Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ảnh chụp màn hình

Giải quyết bài toán liên quan tới nguyên liệu của ngành gỗ và dệt may

Nhiều chuyên gia nhận định, khi Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) dừng tăng lãi suất thì kinh tếHoa Kỳ sẽ có dấu hiệu hồi phục nhập khẩu trong những tháng còn lại của năm 2023.  

Là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự trầm lắng của thị trường bất động sảnHoa Kỳ, ngành gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam ghi nhận những kết quả kém sắc trong nửa đầu năm, thế nhưng vẫn còn động lực để tin tưởng vào sự phục hồi trong thời gian tới. 

“Đã có tín hiệu tạo cho chúng ta một chút lạc quan vào thị trường Hoa Kỳ. Tôi tin rằng những tháng sắp tới, khi thị trường Hoa Kỳ ấm dần lên thì chúng ta có thể duy trì (ít nhất là không giảm sâu) thị phần. Thực tế là gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đã có vị thế nhất định tại thị trường Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp của Việt Nam đã tỏ rõ năng lực cạnh tranh. Các sản phẩm đồ gỗ, đặc biệt là phục vụ tầng lớp trung lưu đã chiếm được một vị thế nhất định. 

Vẫn còn khó khăn, nhưng tôi tin rằng nó chỉ là tạm thời. Ngay tại thị trường Hoa Kỳ cũng rất khó để tìm một nhà cung ứng thay thế chúng ta với chất lượng, khả năng giao hàng, giá cả cạnh tranh”, ông Ngô Sỹ Hoài nhận định. 

 Hoa Kỳ khó để tìm được nhà cung ứng thay thế Việt Nam. Ảnh: Báo Công Thương

Đại diện doanh nghiệp ngành gỗ, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành chia sẻ: “Doanh nghiệp đã xuất khẩu sangHoa Kỳ khá lâu, các mặt hàng chính chủ yếu là sản phẩm trong nhà, ví dụ đồ nhà bếp (đồ dắt dao, dế,...) và đồ chơi trẻ em bằng gỗ. Gần đây có thêm những sản phẩm lớn như bàn, ghế, giường, tủ. Gần như chúng tôi có 3 chủng loại sản phẩm và tất cả đều đã xuất được sang thị trường này. 

“Gần đây đã có dấu hiệu có vẻ bắt đầu lạc quan. Ví dụ như ở Đức Thành đã có khách bắt đầu đặt hàng, hỏi hàng và công bố số lượng đơn hàng có thể đặt trong tương lai. Nếu bình ổn trở lại thì nhu cầu của thị trường rất lớn” - Vị Chủ tịch tin tưởng vào sự phục hồi của ngành gỗ nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong thời gian tới. 

Qua theo dõi của Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương), từ 21/6/2022, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ rà soát lại trong chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất, nhà gia công cho đến các nước thứ 3 như Việt Nam để đảm bảo không sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ lao động cưỡng bức, hoặc nếu bị cáo buộc thì phải có tài liệu chứng minh “trong sạch”.

Bộ Công Thương đánh giá những quy định này dù khó và phức tạp nhưng chắc chắn trong tương lai sẽ trở thành những quy chuẩn bắt buộc nếu như muốn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, trong nhiều năm, ngành gỗ của Việt Nam liên tục vướng phải những cáo buộc thiếu căn cứ. Gần đây nhất là cáo buộc nhập lậu gỗ từ Campuchia của EIA (một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh) nhằm làm mất uy tín của sản phẩm gỗ Việt Nam.

Ngay sau thông tin sai lệch, phía VIFORES đã có thông cáo phản bác. Đại diện ngành đã sử dụng con số, dẫn chứng đầy đủ để khẳng định sự trong sạch và bảo vệ hình ảnh của ngành chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Tuy nhiên, điều này cũng đã cho thấy phần nào sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thị trường xuất khẩu, nhất là với thị trường lớn như Hoa Kỳ. 

Cũng giống như ngành gỗ, ngành dệt may cũng đang đối diện với những thách thức mới về nguồn nguyên liệu, liên quan đến “Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ" mà Tổng thốngHoa Kỳ Joe Biden đã ký thành luật vào tháng 12/2021. Nếu như ngành dệt may bị cáo buộc sử dụng bông có nguồn gốc từ Tân Cương, bị đưa vào danh sách trừng phạt thì tương lai rất có thể Hoa Kỳ sẽ cấm nhập khẩu rất nhiều sản phẩm của Việt Nam. 

Ảnh: OTEXA, USFIA, VCBS tổng hợp

Đánh giá những tác động của đạo luật này đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm thừa nhận đây là vấn đề được khá nhiều doanh nghiệp quan tâm và lo lắng. “Nếu thực thi theo đúng quy định của đạo luật thì nói chung các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ gặp khó khăn. 

Về nhập khẩu bông, hiện nay chúng ta nhập lượng bông khá lớn, khoảng 1,5 triệu tấn, chủ yếu từ Hoa Kỳ với 40%, từ các nước như Brazil, Ấn Độ, Úc,... với số lượng nhỏ hơn. Lượng bông nhập từ Trung Quốc chỉ chiếm 0,5-1% sản lượng nhập khẩu. Như vậy, có thể nói rằng nếu theo đạo luật, nhắm vào chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương về sản xuất bông thì không có việc gì đáng lo ngại. 

Tuy nhiên, rất có thể trước sức ép từ nhiều thế lực khác nhau, có thể muốn để Hoa Kỳ xem xét những sản phẩm hoặc bán sản phẩm mà sử dụng để may quần áo xuất sang Trung Quốc có sử dụng bông tại vùng Tân Cương không”.

Về phía Hiệp hội, ông Cẩm cho biết đã khuyến cáo các doanh nghiệp rằng đây là vấn đề mà nếu mở rộng ra với cả mặt hàng bán thành phẩm thì cũng là vấn đề đáng lo ngại. 

“Chúng tôi đã làm việc với đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng nhờ đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, đồng thời trực tiếp làm việc với Hải quan của Hoa Kỳ về những vấn đề này. Nói chung thì đạo luật đã ban hành thì sẽ thực thi, còn thực thi như nào thì Hoa Kỳ cho rằng sẽ không đến mức để mình quá lo lắng”, ông Cẩm cho hay.  

Hiện nay ngành dệt may Việt Nam đang xuất khẩu dưới nhiều hình thức, chủ yếu là CMT (Cut-Make-Trim) với khoảng 65%, FOB (mua đứt, bán đoạn), các hình thức cao hơn như ODM và OEM chiếm lượng nhỏ hơn. Với từng loại hình, nhất là CMT thì khách hàng sẽ chỉ định nguyên phụ liệu, do đó khách hàng và doanh nghiệp sẽ phải có những cam kết rõ ràng, cụ thể để truy xuất nguồn gốc và chịu trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra. Với hình thức FOB, các doanh nghiệp sẽ là bên chịu trách nhiệm chính. Do đó cần lưu tâm đến nguồn gốc, xuất xứ và có đầy đủ hồ sơ nếu bị kiểm tra. 

Ngoài ra, đa dạng hoá và chủ động nguồn cung cũng là bài toán khiến các doanh nghiệp cần lưu tâm trong thời gian tới. Đây cũng là "một vấn đề khó, nhưng là căn cơ" nếu muốn đi đường dài. “Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày Việt Nam đến 2030, trong đó có những nội dung tập trung đến vấn đề sản xuất nguyên phụ liệu, mang tính tự cường, chủ động nguồn cung. Tôi cho rằng nếu làm được điều này là rất tốt, khi các công nghệ trong ngành đã phát triển, không còn gây ô nhiễm môi trường như ngày trước”, đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam nhấn mạnh.