Giải cứu nông sản Hải Dương bằng công nghệ số

21:55 | 10/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nông sản rau củ quả, trứng gà của người nông dân Hải Dương những ngày gần đây đã được "giải cứu" bằng một cách hoàn toàn mới...
Với việc ứng dụng công nghệ số, đưa nông sản lên bán trên các sàn thương mại điện tử, người nông dân Hải Dương đã và đang tiếp cận một phương thức tiêu thụ mới.
 
Làn sóng Covid-19 lần thứ 3 khiến cho hàng ngàn người dân Hải Dương bị cách ly. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, bà con nông dân nơi đây đã phải điêu đứng vì nông sản đến mùa thu hoạch nhưng chưa thể bán đến tay người tiêu dùng. Mặc dù thời gian vừa qua đã có nhiều hoạt động "giải cứu" từ cộng đồng nhưng chừng đó là chưa đủ cho hàng chục ngàn tấn nông sản nơi đây đang đến mùa thu hoạch. Chị Nguyễn Thu Trang, xã Gia Xuyên, Hải Dương cho biết, những năm khi chưa có dịch, trung bình chị bán được 8 triệu đồng/1 sào bắp cải, nhưng năm nay chỉ bán 1 triệu đồng/1 sào.
 

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

 

Những ngày đầu tháng 3, điều mà nhiều người nông dân ở các xã của Hải Dương chuyện trò với nhau là làm cách nào bán nông sản trên sàn thương mại điện tử mới được triển khai. Khác với cách "giải cứu" thông thường, Viettel Post cho biết đã ứng dụng công nghệ bán nông sản trực tiếp từ bà con đến người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử Voso.vn cũng như hệ thống logistics thông minh. Cụ thể: sau khi bà con nông dân đẩy sản phẩm lên sàn Vỏ Sò, Viettel Post sẽ gom tất cả các đơn hàng đó, ghép nông sản Hải Dương thành 1 tuyến, dùng xe ô tô vận chuyển theo lô, giao hàng tới tận tay người tiêu dùng.
 
Để nhanh chóng hỗ trợ bà con ở Hải Dương hiện nay, Viettel Post sử dụng tính năng mua chung và Vỏ Sò sẽ đứng ra như một "nhà cung cấp" để phân phối đến người tiêu dùng. Đồng thời, Vỏ Sò sẽ đến tận nơi hướng dẫn, đào tạo và đồng hành với bà con nông dân cách bán hàng trên sàn, cùng thực hiện livestream ngay tại vườn, hỗ trợ giải pháp quảng cáo số để thúc đẩy hoạt động bán sớm nhất.
 
Viettel Post đặt mục tiêu với những đơn hàng trong phạm vi dưới 100km thì tổng thời gian từ lúc thu hoạch tới khi giao tận tay người tiêu dùng khoảng 4 giờ. Các đơn hàng trong phạm vi xa hơn, bưu chính Viettel sẽ vận chuyển đến điểm tập kết, sử dụng công nghệ last mile – giao hàng chặng cuối để chuyển đến tay người tiêu dùng với thời gian khoảng 6 tiếng đồng hồ từ khi thu hoạch. Đơn vị này cam kết nếu hàng hóa trên sàn đã được Vỏ Sò xác minh mà vẫn bị sai về chất lượng, quy cách vận chuyển thì sẽ đền bù gấp 10 lần.
 
Giải cứu nông sản Hải Dương bằng công nghệ số
 
Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, đặc thù của nông sản là loại hàng hóa có thời gian thu hoạch và thời gian sử dụng rất ngắn. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ để bán và vận chuyển sẽ giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, đảm bảo độ tươi, ngon, sạch.
 
Theo thông tin từ Viettel Post, tính đến ngày 7/3, sàn Voso đã giúp nông dân tiêu thụ được hơn 7 tấn rau củ, 850 con gà và 80.000 quả trứng. Gần 2.000 đơn hàng đã đến tay khách hàng, đảm bảo thời gian giao phát và chất lượng sản phẩm tươi ngon. Đặc biệt, lượng traffic đổ về các gian hàng nông sản trên trang Voso tăng 35% so với trước đây chứng tỏ mức độ quan tâm của khách hàng tới mặt hàng này đang có chiều hướng tăng, người tiêu dùng đang dần có thói quen đặt mua thực phẩm trên các trang TMĐT.
 
Cùng với Viettel Post, những ngày đầu tháng 3, Tổng công ty bưu điện Việt Nam đã vào cuộc tham gia giải cứu nông sản cho bà con, trực tiếp đến tận vườn của người dân địa phương để khảo sát nguồn cung ứng sản phẩm, đánh giá chất lượng và triển khai hướng dẫn người dân cách tạo gian hàng và đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn. Từ ngày 4/3 những gian hàng đầu tiên của bà con nông dân Hải Dương đã được tạo lập và chính thức đi vào hoạt động. Chỉ tính riêng ngày 5/3 vừa qua, 95 đơn hàng, tương đương với gần 7 tấn nông sản đã được Bưu điện tỉnh Hải Dương thu gom và chuyển đến người tiêu dùng.
 
Từ khi chuyên trang "Nông sản Hải Dương" trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn được đưa vào hoạt động, hàng chục sản phẩm đặc trưng của địa phương được bày bán. Ông Đào Duy Toàn, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Hải Dương cho biết, trung bình mỗi ngày bưu điện sẽ tiếp nhận từ 7-10 tấn hàng.
 

Giúp tiêu thụ nông sản theo cách mới

 

Những người nông dân bao đời vốn quen cách bán sản phẩm theo phương thức truyền thống giờ đang có một kênh tiêu thụ mới có thể giúp "giải cứu" nông sản qua sàn thương mại điện tử. Người nông dân đang dần tiếp cận công nghệ bán hàng mới, tự làm chủ gian hàng của mình trên một sàn thương mại điện tử mà không cần hàng ngày phải chở nông sản đi bán "rong".
 
Trong những năm nay, các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn hay Postmart.vn đã giúp rất nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP (thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng trong cả nước. Đây là một công cụ hữu hiệu, có thể giúp các hộ nông dân thoát cảnh ế hàng, thất thu.
 
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty bưu điện Việt Nam cho biết, hiện nay, chuyên trang "Bưu điện Việt Nam cùng nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản" đang phát huy tối đa hiệu quả, đội ngũ kỹ thuật đã và đang và sẽ tiếp cận, hướng dẫn trực tiếp những hộ nông dân, những nhà cung cấp đạt chuẩn đưa sản phẩm lên sàn và quảng bá rộng khắp để người dân cả nước có thể tiếp cận được những sản phẩm tươi, sạch cũng như hỗ trợ người nông dân thoát cảnh được mùa, mất giá.

Nếu như việc mua hàng theo cách "giải cứu" chỉ là hành động hỗ trợ nhất thời, không mang tính chất lâu dài thì việc tạo dựng chuyên trang "Nông sản Hải Dương" trên sàn thương mại điện tử Postmart nhằm ứng dụng công nghệ số sẽ giúp các hộ nông dân tiêu thụ nông sản theo cách mới, hiệu quả và bền vững hơn.
 
Bằng cách này, người dân có thêm một cách bán hàng mới, có tính ổn định cao hơn. Ngay cả trong tình hình dịch bệnh hay khi dịch đã lắng xuống, sàn Postmart vẫn sẽ là công cụ hữu hiệu để kết nối các hộ sản xuất với người tiêu dùng, tạo uy tín, thương hiệu cho nông sản, đặc sản Hải Dương và xa hơn nữa là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
 
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ, đưa sản phẩm lên sàn trước mắt là để "giải cứu" nông sản đang bị ùn ứ, sau đó sẽ giải quyết triệt để bài toán tiêu thụ nông sản, hướng tới phát triển bền vững và xa hơn nữa là chuyển đổi số nông nghiệp cùng bà con nông dân.
 
Việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử đã mở ra một phương thức bán hàng mới cho người dân, thực hiện việc chuyển đổi số cho từng hộ nông dân cá thể, đến các hợp tác xã, thay đổi căn bản tư duy trong sản xuất, phân phối, bán lẻ từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định sản xuất. Cũng từ phương thức kinh doanh này, người dân sẽ nâng cao ý thức đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách khoa học, tạo ra những sản vật chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn lên sàn, nâng giá trị nông sản, tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng, đẩy nhanh chuyển đổi số cấp xã và khả năng ứng dụng các nền tảng số.
 
Đối với nông sản Hải Dương, đây là cơ hội để kiểm chứng quy trình Viettel Post đang triển khai và sẽ áp dụng trên toàn quốc trong thời gian tới. Viettel Post không kỳ vọng vào câu chuyện "giải cứu" vì đó chỉ là giải pháp tình thế. Thay vào đó, Vỏ Sò sẽ là cầu nối để kết nối tiêu thụ cho bà con ngay cả trong mùa dịch hay không dịch.
 
Không chỉ giúp lưu thoát lượng nông sản còn tồn ứ tại Hải Dương mà với giải pháp này, nông sản Việt nói chung sẽ không chỉ được giải quyết bài toán tức thời (như trong mùa dịch) mà còn hướng tới phát triển bền vững. Ưu tiên các giải pháp công nghệ, Bưu chính Viettel sẽ đóng vai trò giám sát chất lượng sản phẩm, không đưa đến tay người tiêu dùng những nông sản được trồng sai quy cách, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, dễ gây độc hại cho người tiêu dùng; góp phần bảo vệ giá trị nông sản Việt ngay cả trong mùa dịch, để không còn xảy ra tình trạng "được mùa mất giá".
 
Đây cũng là sứ mệnh đồng hành chuyển đổi số cùng bà con nông dân và địa phương để nâng tầm sản vật Việt.
 
Theo vneconomy