Giải mã loài cá bí ẩn có thể bơi trong đất, tuyệt thực 5 năm vẫn sống như thường

10:58 | 04/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cho dù thiếu nước hay thiếu thức ăn, loài cá đặc biệt này vẫn có thể sống sót sau 5 năm và có thể bơi được trong đất.
Nếu như sinh sống ở khu vực bên rìa sa mạc Sahara ở châu Phi, hình ảnh người dân đi... 'đào cá' đã không còn gì là xa lạ. Những con cá mà người dân phải đi đào chính là cá phổi, có tên khoa học là Dipnoi, trong ngôn ngữ bản địa còn hay được gọi bằng cái tên 'cá bơi trong đất khô'. 
 
Cá phổi có tên tiếng Anh là Lungfish, có ngoại hình là tổ hợp của các loài như chạch, giun đất và lươn. Cá phổi có vây bụng rấy nhỏ cùng hai cặp vây ngực, toàn thân trơn có màu xám đất. Điều đáng chú ý, loại cá này xuất hiện từ thời cổ địa, ước tính những con cá đầu tiên xuất hiện trên trái đất từ khoảng 419,2 triệu - 393,3 triệu năm trước, và sau 4 lần tuyệt chủng vẫn sống sót kiên cường. 
 
Loài cá phổi có thể bơi trong đất, tuyệt thực 5 năm
 
Trên thực tế, cá phổi có 3 chi cùng 6 phân loài và được chia theo nơi cư trú, ví như cá phổi châu Phi, cá phổi châu Mỹ và cá phổi Úc. Những con cá phổi trưởng thành sẽ có thể nặng 10kg và dài 1,25m. Trong đó, cá phổi Victoria là loài cá phổi châu Phi lớn nhất hiện nay, có thể dài tới 2m. 

Nhiệt độ châu Phi chủ yếu quanh năm cao chót vót, không có 4 mùa, chủ yếu khô hạn. Đặc biệt, mùa khô tại châu Phi rất khắc nghiệt, thường kéo dài ít nhất 4-5 tháng. Điều này khiến tất cả sông hồ nơi đây đều trở nên khô cạn. Để có thể tồn tại, cá phổi đã phát triển chế độ 'ngủ hè' cùng hệ thống hô hấp vô cùng độc đáo. 

Cụ thể, cá phổi thở bằng mang khi di chuyển trong nước nhưng lại chuyển sang thở bằng bong bóng cá khi rời khỏi mặt nước. Cá phổi có bong bóng rất độc đáo, chứa nhiều phế nang với đa dạng kích thước và được bao phủ bởi rất nhiều mạch máu nhỏ hình lưới, giống phổi của động vật có vú trên cạn cả về cấu tạo cũng như chức năng sinh lý. 
 
Loài cá phổi có thể bơi trong đất, tuyệt thực 5 năm
 
Nhiều loài cá phổi quen hô hấp trên mặt nước nên mang sẽ bị co lại nghiêm trọng khi những con cá này đến độ tuổi trưởng thành. Do đó, khi sống dưới nước chúng phải thường xuyên nổi lên trên để thở. Đến mùa khô, chúng lại giấu mình xuống dưới lớp bùn mềm, chỉ để lại lỗ thông hơi trên miệng, thậm chí còn có thể... nuốt cả đất nếu gặp phải trường hợp đất cứng, khó đào.
 
Khi đào đến độ sâu cần thiết, loài cá này sẽ cuộn tròn người lại, sau đó tiết ra loại chất nhờn, trở thành lớp kén bảo vệ cơ thể, sẵn sàng cho giấc ngủ hè dài kỳ của bản thân. Cũng trong kỳ ngủ này, cá phổi giảm tỷ lệ trao đổi chất xuống còn 1/16 so với bình thường, tiêu hao mô cơ đuôi và mô mỡ để duy trì sự sống.
 
Hiện tại, trạng thái ngủ hè của cá phổi đang được các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu để liên hệ sang con người.

Tiểu Long