Giải ngân nhanh ODA: Bộ NN&PTNT yêu cầu chủ đầu tư cam kết theo tháng
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp vừa yêu cầu các chủ đầu tư/chủ dự án có văn bản đăng ký, cam kết kế hoạch thực hiện theo tháng đối với từng dự án để giải ngân nhanh ODA.
Một dự án đầu tư công của Bộ NN&PTNT tại Nghệ An. Ảnh minh họa.
Bộ NN&PTNT cho biết, do tác động đại dịch COVID-19 mà các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đều gắn với yếu tố nước ngoài từ nhập khẩu máy móc, trang thiết bị cho đến huy động chuyên gia tư vấn, nhà thầu nước ngoài, nên việc triển khai các dự án hầu hết bị gián đoạn dẫn đến chậm so với tiến độ đề ra, ảnh hưởng đến việc thực hiện, giải ngân.
Bên cạnh đó, việc chậm chễ trong ký hiệp định vay lại của một số địa phương ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chung của toàn dự án. Năng lực tư vấn quốc tế thực hiện một số dự án không đáp ứng yêu cầu; thủ tục lấy ý kiến không phản đối của nhà tài trợ mất nhiều thời gian. Một số dự án trong quá trình thực hiện có thay đổi phải tiến hành điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian thực hiện điều chỉnh theo quy định hiện hành mất nhiều thời gian.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, các địa phương khẩn trương giao vốn đối ứng của địa phương đầy đủ, kịp thời theo đúng cam kết và tiến độ của dự án.
Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; trong đó quy định rõ cơ chế kiểm soát của Bộ chuyên ngành đối với việc đầu tư tại các địa phương (vay lại) để phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển ngành.
Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định đối với các dự án phải xin Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư, đặc biệt với trường hợp gia hạn thời gian thực hiện dự án; sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP theo hướng phân cấp, đơn giản hóa trong thủ tục sử dụng vốn kết dư của dự án và thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn vay ODA, trên cơ sở số vốn kế hoạch năm 2020 được giao, bên cạnh các văn bản chỉ đạo, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các chủ đầu tư/chủ dự án có văn bản đăng ký, cam kết kế hoạch thực hiện, giải ngân theo tháng đối với từng dự án.
Trách nhiệm giải ngân được gắn với người đứng đầu đơn vị, kết quả giải ngân thực tế hàng quý so với cam kết là chỉ tiêu để xét thi đua cả năm của đơn vị và người đứng đầu đơn vị.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hằng tháng, lãnh đạo Bộ chủ trì họp giao ban về thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư, nhất là về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư...
Bộ làm việc trực tiếp với nhà tài trợ về việc triển khai dự án, với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh để đôn đốc việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư, bố trí vốn đối ứng theo đúng cam kết của địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với từng dự án cụ thể.
Trên cơ sở rà soát tiến độ cụ thể của từng dự án, Bộ NN&PTNT ước thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 đến 31/01/2021 của các chương trình, dự án đạt khoảng 1.648 tỷ đồng, tương ứng 90%.
Tổng số vốn nước ngoài NN&PTNT đã giao cho các chủ đầu tư/chủ dự án là 1.830,195 tỷ đồng, đạt 100% theo nhu cầu.
Theo Bộ NN&PTNT, giải ngân vốn nước ngoài (ODA) của Bộ 8 tháng là 523,3 tỷ đồng, tương đương 28,6% kế hoạch năm. Khối lượng thực hiện vốn đến 31/8/2020 là 609,1 tỷ đồng.
Để thúc đẩy việc tháo rỡ rào cản giải ngân vốn đầu tư công, cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020; trong đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt.
Tính đến ngày 31/8/2020, có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 60%.
Tuy nhiên, có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 35%; trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Minh Hoa (T/h)