Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 22,37% kế hoạch
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 4257/BTC-ĐT báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn lũy kế 4 tháng, ước thực hiện đến 15/5/2022 và đến 31/5/2022.
Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN: Đối với giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 30/4/2022 là: 84.765,06 tỷ đồng, đạt 15,12% kế hoạch và đạt 16,36% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước thanh toán từ đầu năm đến 15/5/2022 là 105.035,93 tỷ đồng, đạt 18,73% kế hoạch (đạt 20,27% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước là 103.316,59 tỷ đồng. Vốn nước ngoài là 1.719,34 tỷ đồng.
Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/5/2022 là 115.922,47 tỷ đồng, đạt 20,67% kế hoạch (đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch 2022, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (22,12%), trong đó vốn trong nước đạt 23,53%, vốn nước ngoài đạt 6,26%.
Có 5 Bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (50,48%), Ngân hàng Phát triển (49,42%), Văn phòng Chính phủ (38,88%), Lâm Đồng (49,4%), Bình Thuận (41,98%), Tiền Giang (39,1%).
Có 41/51 Bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 5 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Tổ công tác số 1 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; các địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; các địa phương: Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Tổ công tác số 3 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Hồ Chí Minh, Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; các địa phương: Cao Bằng, Bắc Kạn.
Tổ công tác số 4 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Tổ trưởng kiểm tra các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Hội nông dân Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai.
Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam.
Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước.