'Giảm lượng, tăng chất' sẽ là tinh thần chung trong đầu tư công giai đoạn mới

10:33 | 04/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính thường kỳ tháng 5/2021 diễn ra ngày 3/6, tập trung nói nhiều về đầu tư công và một số nội dung khác.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao tinh thần làm việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua. Bộ đã sắp xếp, bố trí vốn đầu tư công trung hạn theo hướng sát với tình hình thực tế, làm đúng theo 3 khâu đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm an sinh xã hội. 

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới cần làm quyết liệt hơn nữa để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nhanh chóng cắt giảm loạt dự án dàn trải, chia cắt, manh mún, kéo dài.

Trên thực tế, trong quá khứ, cụm từ "đầu tư dàn trải" đã quen mặt với dư luận xã hội trong vài năm gần đây. Vào năm 2018, trong kỳ họp Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công (ĐTC) trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 các Đại biểu Quốc hội đã nêu bật lên về vấn đề này. Các đại biểu chỉ ra tổng mức đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là hai triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án nhưng hiện số lượng dự án ở các địa phương dở dang rất lớn.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án bị "điểm danh" thua lỗ trong giai đoạn vừa rồi như 12 dự án lợi nhuận âm nghìn tỷ của ngành Công thương. Hay các dự án tiêu tốn nhiều ngân sách nhưng chất lượng không hề tương xứng của Bộ GTVT quản lý như: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi "ngốn" hơn 34 nghìn tỷ đồng vừa nghiệm thu cho xe chạy nhưng chỉ sau vài trận mưa đã hỏng; dự án đường sắt tuyến đô thị Cát Linh - Hà Đông, tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769,97 tỷ đồng kéo dài từ giai đoạn này đến giai đoạn khác giờ đã bị đội vốn thêm 18.001,59 tỷ đồng.

Chính vì vậy, Chính phủ sau khi thống nhất với Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm sắp tới dự kiến sẽ có những biện pháp cụ thể để giải quyết những tồn tại, nhược điểm trong đầu tư công giai đoạn 2016-2020. 

Tinh thần chung là phải nâng cao ra soát, kiểm soát chất lượng. Sẵn sàng cắt giảm những dự án không hiệu quả để tập trung cho những dự án trọng điểm, cấp thiết và mang lại hiệu quả cao. Cần tiết kiệm nguồn lực, không để xuất hiện tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đặc biệt tới vấn đề chấm dứt tình trạng “chạy” dự án, lợi ích nhóm.

'Giảm lượng, tăng chất' sẽ là tinh thần chung trong đầu tư công giai đoạn mới - ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phiên họp. Ảnh: Báo Dân trí

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ KHĐT lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và hoàn thiện báo cáo. Từ đó, làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi thông báo tới các cấp có thẩm quyền. 

Vấn đề thực hiện đường cao tốc trong giai đoạn sắp tới dù được nhắc nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn được Thủ tướng trực tiếp đề cập tới tại phiên họp.

Theo đó, Chính phủ thống nhất và thấy được sự cần thiết của Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 để có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã giao. Thủ tướng nhấn để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, lấy khó khăn làm động lực để vươn lên. 

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến, tham mưu của các thành viên Chính phủ. Sau đó hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị, xin chủ trương chỉ đạo trước khi trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tinh thần chủ đạo vẫn là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhiều bên: vùng động lực và vùng khó khăn; giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Cũng trong phiên họp, Chính phủ cũng đã nhận định về tình hình kinh tế tuy còn khó khăn bởi chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng đã phục hồi theo xu hướng tích cực và lạm phát được kiểm soát. 

Ngoài ra còn một số nội dung khác như nhận xét tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm, yêu cầu siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, thực hành tiết kiệm trong bối cảnh cả nước vẫn đang chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và tiêu thụ nông sản... 

H.S 

Xem thêm: Thực hiện mọi biện pháp, tiếp cận mọi khả năng để mua vắc-xin