Gỡ nút thắt cho hệ thống tài trợ thương mại toàn cầu
Đối với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, việc phải hoạt động trong một môi trường tài trợ thương mại có tính chất phức tạp, phân mảnh và nhiều bất ổn không phải là điều dễ dàng.
Tuy nhiên, chiếc “phao cứu sinh” mang tên kết nối kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đồng thời giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Thuật ngữ “trade finance”, có nghĩa là tài trợ thương mại, được hiểu một cách dễ nhất là một hoạt động khác của cho vay thương mại, đóng vai trò trung gian thanh toán giữa người mua và người bán trong hoạt động kinh doanh. Đây là hoạt động giúp các nhà xuất khẩu và nhập khẩu thực hiện giao dịch dễ dàng hơn.
* Khoảng trống cung-cầu
Trong một nền kinh tế mở toàn cầu, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được luân chuyển khắp thế giới thông qua những nền tảng hạ tầng quan trọng như đường bộ, bến cảng, mạng lưới đường sắt, tuyến đường vận chuyển và hệ thống dữ liệu.
Bên cạnh những hạ tầng hữu hình, hệ sinh thái tài trợ thương mại toàn cầu, hiện có giá trị khoảng 5.200 tỷ USD, cũng là một trong những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng chảy kể trên. Tuy nhiên, thật không may, dòng chảy này không phải lúc nào cũng phản ánh đúng tiềm năng thật sự của chúng.
Hệ thống tài trợ thương mại ngày nay là một mạng lưới phức tạp, bao gồm các quy trình thủ công ra đời từ hàng thập kỷ trước và các tiến bộ kỹ thuật số được phát triển gần đây hơn. Tuy nhiên, sự chênh lệch về trình độ đã tạo ra những “hòn đảo kỹ thuật số”, là hệ thống khép kín của những đối tác thương mại đang phải đứng ngoài dòng chảy toàn cầu.
Nghiên cứu mới của nhóm cố vấn thuộc Phòng Thương mại Quốc tế về tài trợ thương mại Fung Business Intelligence và hãng tư vấn McKinsey & Company đã nêu bật cách thức nhằm đơn giản hóa các quy trình kết nối để tích hợp những “hòn đảo” này vào mạng lưới và nền tảng toàn cầu, từ đó giúp làm thay đổi nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoảng trống cung-cầu trong tài trợ thương mại toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 1.700 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 10% thương mại hàng hóa toàn cầu.
Sự thiếu hụt này thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), vốn chiếm đến 40% số đơn đăng ký tài trợ thương mại bị từ chối vào năm 2020.
Vì vậy, mặc dù kỹ thuật số chắc chắn sẽ là tương lai của thương mại toàn cầu, song nếu thương mại kỹ thuật số phát triển quá mức trong bối cảnh hiện nay, khoảng cách giữa các công ty đa quốc gia lớn và được kết nối với các MSME, vốn đang là trung tâm của tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm ở khắp các quốc gia đang phát triển, sẽ được nới rộng.
* Việc điều chỉnh hệ thống là rất quan trọng
Để lấy ví dụ, hãy tưởng tượng một doanh nhân ở Đông Nam Á sở hữu công ty có quy mô kinh doanh siêu nhỏ đang sử dụng 4 lao động địa phương. Doanh nhân này hiểu biết về kỹ thuật số và đã tìm thấy một thị trường trực tuyến nhỏ nhưng có giá trị cho các sản phẩm của cô ở nước ngoài.
Tuy nhiên, các hệ thống như thuế, tín dụng và hải quan ở quốc gia mà công ty đang hoạt động không được xây dựng đủ thuận lợi để phục vụ các công ty quy mô nhỏ. Tài sản của công ty cũng không đạt ngưỡng bắt buộc trong các bài kiểm tra đánh giá tín dụng và tất cả các thủ tục giấy tờ cần phải được nộp theo cách thủ công.
Bên cạnh đó, chứng từ nhập khẩu của quốc gia nhập khẩu lại khác hoàn toàn khác với các yêu cầu quy định tại quốc gia nhập khẩu, làm tăng thêm công việc và chi phí. Rõ ràng, đây không phải là điều mà doanh nhân này mong muốn và có thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Có thể thấy, doanh nghiệp càng nhỏ thì khó khăn càng lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn theo một cách tích cực hơn, một hệ thống thương mại được kết nối kỹ thuật số sẽ giúp các MSME tiếp cận những quốc gia và các phân khúc khách hàng mà họ đang không thể tiếp cận.
Do đó, việc điều chỉnh hệ thống là rất quan trọng. Đến năm 2030, thế giới sẽ cần thêm 600 triệu việc làm để hấp thụ lực lượng lao động mới gia nhập thị trường, hầu hết ở các nước đang phát triển. Trong đó, các MSME, chiếm khoảng 90% doanh nghiệp toàn cầu và cung cấp phần lớn việc làm, sẽ đóng vai trò to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu này và mở ra tiềm năng thương mại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, một hệ thống tài trợ thương mại tốt hơn có thể giúp giảm bớt các nút thắt trong chuỗi cung ứng, vốn đang làm chậm quá trình phục hồi kinh tế và góp phần làm tăng lạm phát trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
* Một phương án mang tầm cỡ thế giới
Những nỗ lực trước đây nhằm cải thiện các hình thức tài trợ thương mại đã dẫn đến sự gia tăng các mạng lưới, tiêu chuẩn kỹ thuật số và sáng kiến số hóa. Trong khi nhiều phương án trong số này đã phát huy tác dụng, thế giới cần một giải pháp mang tầm cỡ “toàn thế giới” để thu hẹp khoảng cách về tài trợ thương mại đang ở mức 1.700 tỷ đô la.
Để làm được điều này, thế giới cần một mô hình có hệ thống hơn, trong đó kết hợp mọi thứ bằng các nền tảng kỹ thuật số. Đây là một cấu trúc ảo nhằm cung cấp khuôn khổ toàn cầu cho các tiêu chuẩn, giao thức và nguyên tắc ở hiện tại và tương lai, với mục đích là kết nối tất cả những người tham gia trong hệ sinh thái tài trợ thương mại vào mạng lưới hiện tại và tương lai.
Cấu trúc này sẽ được xây dựng dựa trên ba trụ cột chính là các yếu tố hỗ trợ thương mại kỹ thuật số hoặc các tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa tài trợ thương mại và thương mại toàn cầu, các tiêu chuẩn cụ thể cho phép số hóa ngành tài trợ thương mại và các phương pháp hay nhất về khả năng tương tác của tài trợ thương mại.
Một tổ chức ngành toàn cầu hoặc một tập đoàn nào đó có thể chi phối quá trình này và tận dụng các kế hoạch hiện có, chẳng hạn như Sáng kiến Tiêu chuẩn Kỹ thuật số (ICC) được đưa ra vào năm ngoái.
Điều này sẽ tạo ra một thứ giống như tiêu chuẩn chất lượng ISO toàn cầu cho hệ thống thương mại và sẽ hoạt động theo đường lối của Nhóm đặc nhiệm kỹ thuật Internet (IETF), đơn vị phát triển các tiêu chuẩn Internet. Tuy nhiên, quá trình xây dựng sẽ đòi hỏi một cam kết mạnh mẽ từ các ngân hàng, chính phủ, cơ quan thương mại và các tổ chức phi chính phủ.
Một sự điều chỉnh có hệ thống như vậy có nghĩa là mọi bước của quy trình thương mại sẽ được thực hiện trực tuyến và có thể được điều hướng từ các thiết bị cá nhân. Nhiều bước, bao gồm cả tham chiếu tín dụng, cũng sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo và được điều chỉnh sao cho phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ.
Các hệ thống xuất nhập khẩu sẽ sử dụng một ngôn ngữ chung để nhập dữ liệu, giúp các quy trình trở nên đơn giản hơn cho các quan chức hải quan và cả những người vận hành hệ thống, đồng thời giúp việc khắc phục sự cố trở nên đơn giản và nhanh chóng.
Việc xây dựng khả năng tương tác là rất phức tạp, nhưng lợi ích sẽ rất rộng và sâu. Người mua và người bán có thể được hưởng lợi từ việc tính thanh khoản tăng cao, trong khi chi phí thấp hơn, ít phức tạp hơn và khả năng tiếp cận nhiều hơn với các thị trường tín dụng và doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Một hệ thống tài trợ thương mại được cải thiện và tích hợp có thể thu hút các nhà đầu tư tổ chức, những người cho đến nay vốn trước đây vẫn chủ yếu đứng ngoài cuộc. Trong khi đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần sẽ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí cũng như tính bảo mật và hiệu quả cao hơn nhờ các chứng từ thương mại được tiêu chuẩn hóa. Các chính phủ và cơ quan quản lý sẽ có quyền truy cập vào nhiều thông tin hơn và thông tin tốt hơn để hỗ trợ các đơn vị tham gia và từ đó mở ra các kênh huy động vốn.
Ngoài ra, những đổi mới trong công nghệ chuỗi khối và số hóa có thể cải thiện đáng kể hệ thống tài chính thương mại toàn cầu và đảm bảo rằng lợi ích thu được sẽ mở rộng cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô cũng như người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Có thể nói, việc khắc phục hệ thống tài trợ thương mại toàn cầu là rất quan trọng đối với một nền kinh tế toàn cầu bền vững và bao trùm hơn. Và do đó cũng là điều cần thiết để đảm bảo kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch./.