ADB tài trợ 9,8 tỷ USD cho hành động khí hậu trong năm 2023
Hôm nay (25/4), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố các kết quả hoạt động và tài chính trong Báo cáo thường niên 2023 của nhà băng này.
Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa, chia sẻ: “ADB tiếp tục khẳng định vị thế là ngân hàng khí hậu cho châu Á và Thái Bình Dương, với mức tài trợ hàng năm cao nhất từ trước tới nay cho hành động khí hậu. Các khoản đầu tư của chúng tôi cho việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu chú trọng nhiều tới nông nghiệp thích ứng khí hậu, năng lượng tái tạo và giao thông phát thải các-bon thấp”.
Con số cam kết 23,6 tỷ USD bao gồm các khoản vay, viện trợ, đầu tư cổ phần, bảo lãnh và hỗ trợ kỹ thuật cung cấp cho các chính phủ và khu vực tư nhân. Bên cạnh nguồn vốn riêng của ngân hàng, ADB đã huy động thêm 16,4 tỷ USD vốn đồng tài trợ thông qua các quan hệ đối tác mạnh mẽ của mình.
ADB đầu tư mạnh vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng khác có chất lượng cao, cần thiết cho phát triển bền vững. ADB đã tăng cường hơn nữa nguồn vốn con người của khu vực thông qua gia tăng hỗ trợ cho giáo dục và y tế.
Giải quyết bất bình đẳng giới tiếp tục là một lĩnh vực then chốt trong hoạt động của ngân hàng, với hầu hết các hoạt động trong năm 2023 đều góp phần giảm bớt sự bất bình đẳng còn lại, gồm cả hỗ trợ giảm thiểu tác động bất cân xứng về giới của biến đổi khí hậu.
Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa cho biết: “Mô hình hoạt động mới của chúng tôi đã cho phép ADB thực hiện những thay đổi quan trọng cần thiết để cung cấp hỗ trợ tốt hơn, nhanh hơn và phù hợp hơn cho các quốc gia thành viên đang phát triển của mình.”
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam vào giữa tháng 3 vừa qua, ông Asakawa tái khẳng định cam kết của ADB cung cấp 3 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026. Ngoài ra, ADB đã cam kết huy động 2,1 tỷ USD theo Kế hoạch huy động nguồn lực để hỗ trợ các dự án trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng của Việt Nam.
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
Việt Nam có lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ tuyến, địa hình đa dạng và phức tạp, nên có sự khác biệt khá lớn về khí hậu. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến đổi môi trường và tác động xấu đối với nền kinh tế và cuộc sống của con người.
Việt Nam có thể mất 14,5% GDP vì biến đổi khí hậu vào năm 2050: Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) ngày 19/3 vừa qua, ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia của IFC tại Việt Nam đánh giá biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức thời đại mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Báo cáo phân tích môi trường gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam đã mất 3,2% GDP vào năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu.
Xa hơn nữa, theo tính toán của WB, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam thiệt hại 12–14,5% GDP vào năm 2050.
“Những báo cáo nào gợi lên nhiều suy nghĩ cho tương lai sắp tới của Việt Nam”, ông Thomas nhận định.
Để đạt được mục tiêu kép là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy nhanh các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon cho nền kinh tế.
Và nguồn tài chính cần thiết để tài trợ cho những nỗ lực này có thể vào khoảng 6,8% GDP mỗi năm, hoặc tổng cộng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, một nửa trong số đó sẽ đến từ khu vực tư nhân.
Theo đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng một vai trò quan trọng, bằng cách đưa các công nghệ mới, ý tưởng và thực tiễn mới cũng như vốn nước ngoài vào để hỗ trợ các chiến lược mới hướng tới xu hướng xanh.
Mặc dù FDI rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nhưng nó không được gây tổn hại đến môi trường.
“Mọi công ty đầu tư vào Việt Nam đều có trách nhiệm thực hiện cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng xanh và xây dựng văn hóa bền vững trong toàn bộ tổ chức của mình”, đại diện IFC nhấn mạnh.
Chiến lược tăng trưởng xanh của các nhà đầu tư nước ngoài (cũng như các nhà đầu tư trong nước) phải gắn liền với các chính sách quản lý, xã hội và môi trường hiệu quả nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững, từ đó góp phần tạo việc làm và tăng trưởng toàn diện.