Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng từng được kỳ vọng sẽ 'giải cứu' thị trường BĐS

Đông Bắc 08:50 | 03/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng từng được kỳ vọng sẽ mang đến những khởi sắc cho thị trường bất động sản (BĐS).  Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã dừng đề xuất gói tín dụng này.

 

Sau các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từ đầu tháng 2 đến nay, có 2 giải pháp về các gói tín dụng được hé lộ. Đầu tiên là đề xuất của Bộ Xây dựng với gói khoảng 110.000 tỷ đồng (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây), cấp tới các ngân hàng thương mại để cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.

Thứ hai là gói tín dụng riêng khoảng 120.000 tỷ đồng cũng cho nhà ở xã hội được 4 ngân hàng thương mại Nhà nước thống nhất trước thềm hội nghị với Thủ tướng hôm 17/2. Gói này lãi suất cho vay thấp hơn 1,5-2% lãi suất bình quân thị trường với người xây dựng và mua nhà.

Tuy nhiên, chiều 2/3, trong thông cáo phát đi, Bộ Xây dựng không đề cập đến việc nghiên cứu tiếp gói tín dụng 110.000 tỷ đồng đã đề nghị trước đó. Thay vào đó, bộ này cho biết sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

 Phân khúc nhu cầu thực là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có cơ hội được tái lập nguồn cung mới khi gói tín dụng 110.000 tỷ đồng được thông qua.Ảnh BXD.

Các chuyên gia từng kỳ vọng gói tín dụng 110.000 tỷ đồng

Trước đó, thông tin Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và NHNN có gói 120.000 tỷ đồng ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu được phê duyệt thì đây sẽ là gói chính sách rất tốt do có lãi suất ưu đãi (khoảng 4,5 - 5,5%/năm, tương tự các gói tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Việt Nam).

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) hoan nghênh và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm chấp thuận đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng để tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030.

Nhìn nhận về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận: “Gói 110.000 tỷ đồng là một điểm sáng đáng hoan nghênh và cần được ủng hộ trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay. Đây là gói tín dụng mà người dân rất mong mỏi để có thể tiếp tục giấc mơ an cư, do đó, cần giải ngân đúng đối tượng, và có giải pháp để người dân có thể tiếp cận được".

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty GP.INVEST cho rằng, cần có một quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội như đề xuất của Bộ Xây dựng mới đây nhưng không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án nhà ở xã hội mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội.

“Trước hết là vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phải lựa chọn các khu nhà ở xã hội tập trung ở vị trí quy hoạch hợp lý rồi sử dụng quỹ này đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tập trung sau đó mới lựa chọn chủ đầu tư thì sẽ chủ động được kế hoạch và đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn của các dự án nhà ở xã hội đối với các chủ đầu tư.

Ngoài ra, các thể chế quy định về tiêu chuẩn nhà ở xã hội, trình tự các bước làm dự án nhà ở xã hội, tiêu chuẩn và chế độ cho người mua nhà ở xã hội cũng cần cập nhật lại và đơn giản hoá theo điều kiện biến đổi của thị trường (kể cả đơn giá thi công nhà ở xã hội)”, ông Hiệp đề xuất.

 TS. Cấn Văn Lực từng kỳ vọng gói tín dụng 110.000 tỷ đồng sẽ 'hồi sinh' thị trường BĐS. Ảnh DNVN.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, nếu đề xuất này được phê duyệt, nhiều người có thu nhập trung bình và thấp đã có thể mua được nhà ở. Từ đó, có thể hy vọng thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội trong thời gian tới, đồng thời sẽ lan tỏa và giúp thị trường bất động sản dần hồi phục trở lại.

Nói thêm về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất, TS. Cấn Văn Lực cho hay: Có thể thấy, nếu đề xuất này được phê duyệt, nhiều người có thu nhập trung bình và thấp đã có thể mua được nhà ở. Từ đó, có thể hy vọng thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội trong thời gian tới, qua đó sẽ lan tỏa và giúp thị trường bất động sản dần hồi phục trở lại. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ của gói 110.000 tỷ đồng lần này đến đâu còn là một dấu hỏi.

Để đề xuất này thực sự đạt hiệu quả và đến đúng đối tượng, Chính phủ cần phải xây dựng một đề án căn cơ, bài bản, lớp lang và nghiên cứu kinh nghiệm từ mô hình phát triển nhà ở xã hội của Singapore, Hàn Quốc và rút kinh nghiệm từ những bất cập khi triển khai gói 30.000 tỷ đồng trước đây.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn từ giữa năm 2022 đã đăng ký triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Đến nay, do vướng mắc về thủ tục pháp lý, quỹ đất và thiếu hụt dòng vốn, nhiều dự án vẫn chưa thể khởi công. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng sẽ góp phần giải quyết các ách tắc cho các dự án bất động sản nói chung và nhà ở xã hội nói riêng về mặt nguồn vốn, nhưng vấn đề pháp lý, quỹ đất sạch, quy hoạch, hạ tầng giao thông và giá bán phù hợp mới là quan trọng và cần được tháo gỡ song song thì mới có thể phát huy tác dụng.

 

 

Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà xã hội xuất hiện như thế nào?

Trong tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững hôm 17/2, Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Chi tiết phân bổ gói này chưa được đề cập nhưng Bộ Xây dựng cho biết sẽ giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 khi thị trường gặp khó khăn. Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp để xây dựng chi tiết hơn.

Theo chính sách gói 30.000 tỷ trước đây, 70% được dành cho những người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Thời hạn vay tối đa là 10 năm. 30% còn lại dành cho doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp nhà thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội.