Gọi vốn đầu tư mạo hiểm cho các dự án xanh
Năng lượng sạch hút vốn xanh
Giữa tháng 8/2023, Nhà phát triển năng lượng mặt trời CME Solar Investments (CME Solar) công bố đã nhận được 20 triệu USD dưới dạng tài trợ dài hạn từ Quỹ đầu tư responsibility (Thụy Sĩ). Khoản đầu tư này thể hiện cam kết quan trọng nhất của ResponsAbility đối với việc tài trợ khí hậu cho đến nay, nâng tổng vốn đầu tư vào CME Solar lên 32 triệu USD vào năm 2023.
Trước đó, nhờ việc sử dụng hiệu quả của gói vay vốn đầu tiên (năm 2021) từ ResponsaAbility, CME Solar đã thành công trong việc thực hiện dự án năng lượng mặt trời áp mái tại nhà máy Foxconn (công suất 31,5 MWp) tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Với khoản tài trợ vốn trong năm 2023, CME Solar dự tiếp tục triển khai một loạt dự án vào lĩnh vực đầu tư năng lượng mặt trời thương mại và công nghiệp (C&I) trên nhiều lĩnh vực ở Việt Nam bao gồm: sản xuất, điện tử, thực phẩm, đồ uống và dệt may.
Cũng trong tháng 8 vừa qua, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCB Capital) và Asong Invest – một công ty đầu tư Hàn Quốc tập trung vào các cơ hội đầu tư có tác động tại Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư trong ngành công nghiệp xanh Việt Nam.
Theo bản cam kết, các bên mong muốn hợp tác tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo bao gồm: điện mặt trời, thủy điện, thủy điện tích năng, điện gió, sản xuất hydrogen... và các chương trình phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Đáng chú ý, các bên sẽ hợp tác nghiên cứu phát triển dự án năng lượng tái tạo có quy mô khoảng 2 tỷ USD đến năm 2025. Đồng thời, thống nhất việc đăng ký các dự án vào thị trường giao dịch chứng chỉ carbon Việt Nam - Hàn Quốc theo thỏa thuận ITMO nhằm phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon bền vững tại Việt Nam và Hàn Quốc…
VinaCapital – Tập đoàn đầu tư hàng đầu ở Việt Nam cũng cho biết đang đẩy mạnh hợp tác vào các dự án năng lượng sạch. Tháng 6/2023, Tập đoàn này công bố hợp tác với Tập đoàn GS Energy Hàn Quốc trong việc cung cấp tín dụng cho Tập đoàn Năng lượng Long An để xây dựng nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) với mục tiêu cung cấp điện cho toàn bộ khu vực miền Nam. Nhà máy điện này ban đầu được lên kế hoạch là nhà máy điện than, sau đó được chuyển đổi sang công nghệ khí thiên nhiên hóa lỏng. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3 tỷ USD.
VinaCapital cũng đã đầu tư đáng kể vào năng lượng mặt trời, thông qua việc hợp tác với EDF Renewables - công ty năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới – thành lập công ty SkyX. Hiện SkyX đang phát triển và vận hành hơn 100 MW năng lượng sạch tại hơn 40 nhà máy và khu công nghiệp trên khắp Việt Nam, giúp giảm phát thải hơn 90.000 tấn carbon mỗi năm.
Ngoài ra, lãnh đạo VinaCapital cho biết, Tập đoàn cũng đang xem xét đầu tư vào các dự án chuyển đổi rác thải thành năng lượng trong trung hạn và hydro trong dài hạn…
Theo các chuyên gia, sở dĩ dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy mạnh vào lĩnh vực năng lượng sạch là nhờ những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được ban hành.
Riêng với Quy hoạch Điện VIII, Chính phủ đưa ra lộ trình chuyển đổi từ điện than sang các nguồn năng lượng sạch và tái tạo như khí hóa lỏng, điện mặt trời và điện gió; đồng thời dự kiến cần đầu tư khoảng 135 tỷ USD vào ngành điện đến năm 2030, tương đương 33% GDP hiện tại của Việt Nam. Đây là cơ sở để thúc đẩy dòng vốn đầu tư của khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện sự chuyển đổi này trong thời gian tới.
Ưu tiên đầu tư startup khí hậu
Không chỉ riêng lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, mà các dự án thân thiện với môi trường, carbon thấp… ở Việt Nam cũng đang thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm trong thời gian gần đây. Dù năm 2023 được dự báo là năm không mấy khả quan với dự án khởi nghiệp khi các quỹ đầu tư thắt chặt nguồn vốn và nâng cao nhiều tiêu chí đầu tư. Tuy nhiên, dự án khởi nghiệp xanh của Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm đầu tư đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Dự kiến vào tháng 10/2023, Quỹ đầu tư mạo hiểm Antler (Singapore) sẽ khởi động chương trình ươm tạo startup dành cho các founder Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực như công nghệ khí hậu, fintech, phần mềm dưới dạng dịch vụ… Năm nay, Antler dự kiến đầu tư lên đến 25 startup tại Việt Nam.
Từ năm 2021, Antler đã tổ chức 4 chương trình ươm tạo thành công với tổng số tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam là 2,7 triệu USD. Từ đây, đã có 34 công ty khởi nghiệp ra mắt; trong đó những cái tên đáng chú ý bao gồm Buyo, cung cấp các giải pháp nhựa sinh học có thể phân hủy sinh học; Alternō, cung cấp các giải pháp lưu trữ năng lượng nhiệt chi phí thấp cho khu vực châu Á...
Trước đó, vào tháng 3/2023, có 9 dự án carbon thấp trên khắp Việt Nam đã được chọn để tham gia Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (CFA) Việt Nam giai đoạn đầu tiên. Đây là chương trình hỗ trợ kỹ thuật với tổng kinh phí thực hiện là 11,8 triệu Bảng Anh, do Quỹ Tài chính Khí hậu Quốc tế (ICF) của Vương quốc Anh tài trợ triển khai ở 9 quốc gia.
Các dự án được chọn đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau như năng lượng tái tạo, sử dụng tài nguyên/năng lượng hiệu quả, vận tải điện, AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác), phi carbon hóa trong ngành xây dựng, kinh tế tuần hoàn, và quản lý chất thải…
Ông Don Lam, Tổng giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cũng cho rằng, luôn có rất nhiều cơ hội cho các công ty biết cách tiếp cận vấn đề kinh tế tuần hoàn, từ hoạt động vận hành cho đến thu hút đầu tư.
Theo ông Don Lam, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp) là một chủ đề nóng ở hầu hết các nước phát triển và cũng bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn bắt buộc phải áp dụng các tiêu chí ESG cho các khoản đầu tư, có thể do luật quy định hoặc yêu cầu của cổ đông. Hơn nữa, người tiêu dùng ngày càng muốn tiêu thụ sản phẩm từ các công ty phát triển bền vững và minh bạch. Điều này tạo ra một cơ hội lớn cho Việt Nam và các công ty trong nước hiểu được tầm quan trọng của ESG, từ đó thực hiện những điều chỉnh phù hợp với doanh nghiệp để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Mới đây, VinaCapital cũng đã thành lập một quỹ đánh giá tác động khí hậu VinaCarbon (VinaCarbon Climate Impact Fund) nhằm chung tay hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu không có phát thải carbon.
“Quỹ VinaCarbon sẽ đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon. Một tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn khí thải nhà kính được cắt giảm. Đây là một loại hình đầu tư đầu tiên ở Việt Nam, trên thế giới cũng đã có những mô hình tương tự ở các nước phát triển”, ông Don Lam cho biết.
Là nhà đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy khởi nghiệp, ông Brian Kim, Giám đốc điều hành Công ty Kim Ventures cũng nhấn mạnh sức mạnh của phương pháp mới từ các startup công nghệ về khí hậu.
Theo ông Brian Kim, trên thế giới, có rất nhiều startup công nghệ khí hậu đang làm việc về các giải pháp đổi mới để giảm khủng hoảng khí hậu và tạo hiệu ứng xã hội rất lớn. Việt Nam đang trải qua tăng trưởng kinh tế và hoạt động khởi nghiệp đầy ý nghĩa, khiến nó trở thành điểm đến hấp dẫn cho những nhà đầu tư. Tuy nhiên, đã đến lúc cần tính đến sự phát triển xanh và net-zero. Việt Nam có thể xây dựng các quỹ đầu tư tư nhân mạo hiểm để khuyến khích, thúc đẩy startup khí hậu tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh…
Theo các chuyên gia, các dự án xanh thường có chi phí đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn lâu hơn so với dự án thông thường. Do đó, các doanh nghiệp muốn gọi vốn cần có lộ trình kế hoạch triển khai cụ thể; đồng thời đòi hỏi mức độ quản trị và minh bạch cao hơn. Về phía cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh hành lang pháp lý và có chính sách ưu đãi riêng về thuế, lãi suất để khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước phát triển, qua đó thúc đẩy dòng vốn chảy vào các dự án thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh cho thời gian tới...