Goldman Sachs cảnh báo khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ
Theo CNN, sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng từ Nga đã làm gia tăng khả năng khu vực này có thể bước vào một cuộc suy thoái trong năm nay do lạm phát tăng cao khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu.
Mỹ ít phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, nhưng cũng sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng về kinh tế.
Mới đây, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ vào năm 2022. Hiện ngân hàng này cho biết nền kinh tế Mỹ tăng trưởng rất ít hoặc gần như bằng không trong ba tháng đầu năm.
Ngân hàng đầu tư này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ năm 2022 xuống 2,9% so với kỳ vọng là 3,1% trước đây. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực trong quý IV được dự báo ở mức 1,75% so với dự báo trước đó là 2%.
Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs, dẫn đầu bởi tiến sĩ Jan Hatzius cho biết, khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ trong năm sau đã tăng cao tới mức 35%.
Các nhà kinh tế sử dụng dữ liệu thời gian thực từ Morning Consult và Ipsos cho thấy “sự suy giảm rõ ràng về niềm tin của người tiêu dùng kể từ khi Nga tấn công Ukraine”.
Chi tiêu giảm không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra suy thoái. Các điều kiện tài chính bị thắt chặt sẽ khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn hơn. Căng thẳng đang diễn ra tại châu Âu cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty Mỹ có chuỗi cung ứng và hoạt động toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Moscow sau chiến sự tại Ukraine đang gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Nga. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự đoán kinh tế Nga sẽ giảm 15% trong năm 2022, gấp đôi những gì diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vì Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn, cũng như các sản phẩm nông nghiệp và kim loại chủ chốt, nên ảnh hưởng của sự sụp đổ và cô lập nền kinh tế sẽ lan ra toàn cầu.
Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do phụ thuộc vào Nga về lương thực và năng lượng. Nhưng việc giá năng lượng và lương thực tăng vọt sẽ ảnh hưởng tới cả nước Mỹ ở phía bên kia Đại Tây Dương.
Tất nhiên, không thể khẳng định Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái kinh tế. Vào ngày 10/3, Ngân hàng Wells Fargo cho biết họ dự đoán về một cuộc suy thoái ở châu Âu nhưng không phải ở Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh rằng thị trường việc làm vẫn rất mạnh mẽ và các hộ gia đình Mỹ đang ở "tình trạng tài chính tốt".
"Lạm phát là một vấn đề mà chúng ta cần giải quyết, nhưng tôi không nghĩ một cuộc suy thoái sẽ xảy ra ở Mỹ", bà Yellen nói.
Nhưng các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs không phải là những người duy nhất nhận thấy rằng rủi ro đang tăng lên.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, đã viết trong một chuyên mục gần đây cho CNN Business: "Việc lạm phát gia tăng lấn át sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ từ đó dẫn đến suy thoái, là một mối đe dọa ngày càng rõ ràng".
Điều này làm tăng thêm áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi họ tính toán động thái tiếp theo. Fed dự định bắt đầu tăng lãi suất trong tháng 3 nhằm cố gắng kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, việc Fed ngừng hỗ trợ cho nền kinh tế quá đột ngột có thể sẽ làm cho suy thoái dễ xảy ra hơn.
Ngày 10/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết rằng họ sẽ thắt chặt cung tiền sớm hơn dự kiến bất chấp cuộc chiến ở Ukraine.
Nhà kinh tế học Mohamed El-Erian viết trong tuần này: "Mỹ có có thể làm tốt hơn châu Âu, do nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi nội tại và nhanh nhẹn hơn. Tuy nhiên, việc Fed không phản ứng kịp thời với lạm phát vào năm 2021, sẽ làm suy yếu tính linh hoạt của chính sách".
Ngân hàng Wells Fargo đã hạ mục tiêu cuối năm 2022 cho chỉ số S&P 500. Họ vẫn cho rằng chỉ số này có thể tăng mạnh so với mức hiện tại. Tuy nhiên, ngân hàng này thừa nhận rằng các điều kiện kinh tế gắn liền với cuộc khủng hoảng Ukraine có khả năng ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp, và cổ phiếu.