Hà Nội, cha tôi và những hoài niệm ấm áp
Những kỷ niệm khó quên
Tôi còn nhớ rất rõ vị ngon lành của cái lần đầu tiên được cha "đãi" vị phở Hà Nội. Hôm đó, thi môn Văn, khối C đại học, cũng là buổi sáng đầu tiên của tôi trên đất Văn Hiến ngàn năm. Cha dẫn tôi tới quán phở bình dân, gần dãy trọ mà ông thường lui tới. Quán phở không tên, nằm hun hút trong con ngõ nhỏ. Ấy vậy mà đông khách. Bác hàng phở người Hà Nội gốc, trạc 60 tuổi, vui tính, miệng lúc nào cũng tủm tỉm cười, ra điều có một suy nghĩ gì đó hay ho lắm luôn hiện hữu trong đầu. Quán chỉ kê chừng vài bộ bàn ghế chạy dài, khách vào quen lạ ngồi chung với nhau, mà vui. Nồi nước sôi sùng sục, toả mùi thơm ra khắp phố.
Bởi là khách hàng quen thuộc, nên ông chủ lấy làm tường tận lắm khẩu vị của cha tôi. Cha chỉ cần gọi: "Cho tôi và cháu hai bát như cũ" - "Có ngay". Chừng 5 phút ngồi đợi là được thưởng thức. Hai bát phở mang ra nhìn thôi cũng đã biết ngon: Nước dùng trong, bánh dẻo mà không nát; bắp bò, gầu giòn; chanh ớt, hành tây đủ cả. Dân ngoại tỉnh lần đầu ra Hà Nội như tôi không biết phở như thế nào là ngon, đến cả cách ăn cũng chả biết nốt. Nên tôi cứ nhìn cách cha ăn rồi làm theo răm rắp. Mà trông bộ cha tôi cũng sành ăn phở lắm! Quả chanh cắt làm 4, vài lát ớt nhỏ, ba bốn cọng hành tây, một thìa tương ớt... phải đầy đủ mới ngon. Đoạn tiếp, ông húp vài thìa nước dùng cảm nhận trước, sau mới tới phần bánh và thịt. Ăn từ từ, thư thả... Người nghèo cũng có cách thưởng thức cuộc sống riêng của họ.
Ăn xong, cha dùng chiếc xe đạp đã cùng ông rong ruổi suốt gần 20 năm ở đất Hà Thành, để chở tôi đến điểm thi. Quãng đường từ phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) lên tới Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, dài hơn 10km. Thói quen mỗi ngày cha kể, vẫn thường chở cả xe hàng cồng kềnh, nặng trịch, nhưng đi nhanh. Hôm đó chở tôi nhẹ hơn, mà cha lại đi rất chậm và còn nặng nề nữa. Tôi thấy lạ, hỏi, cha nói đang chở ước mơ của cuộc đời mình và khát vọng của đứa con trai nhỏ sau lưng. Dòng người hối hả của Hà Nội ngày hôm đó chắc chẳng mấy ai quan tâm, có hai cha con nhà quê nọ đang lầm lũi đi tìm một giấc mơ thật đẹp.
Ăm ắp nghĩa tình…
Tôi đậu đại học. Cha đón nhận tin vui đó bằng tất cả sự yêu thương lẫn trách nhiệm: "Cha sẽ làm tất cả vì con". Rồi cha đem niềm vui đó khoe với những người bạn của mình. Tôi không biết cha có bao nhiêu bạn trên đất Hà Nội nữa. Chỉ biết rằng, hầu hết họ đều là dân nghèo tỉnh lẻ, cũng giống như cha. Và tôi cũng biết, cái cách họ đối xử với "niềm hi vọng" của bạn mình thì thật tử tế và chân ái lắm. Bác bán phở, cô bán cơm... sớm tối khéo léo động viên tôi học tập bằng những bát phở, đĩa cơm đầy ụ, giá mềm. Chẳng khi nào gặp tôi mà họ quên khích lệ: “Bố mẹ con vất vả nhiều rồi, con phải ráng mà học, ít nhiều cũng phải cho họ nở mày, nở mặt”. Tôi ngậm ngùi! Ở đời, người nghèo không thương lấy người nghèo thì còn đợi ai thương.
Rồi 5 năm Đại học cũng chóng qua, tôi tốt nghiệp, về quê xin việc, lấy vợ và sinh con. Cha tôi cũng rời xa Hà Nội, gác lại những nhọc nhằn, lo toan nơi phố thị phồn hoa để tìm bình yên nơi quê nhà. Hà Nội hiện tại cũng khác 10 năm về trước. Hà Nội giờ đây, năng động, hiện đại, và văn minh hơn…
Hà Nội - Nơi chở che những giấc mộng mưu sinh
10 năm trước, tôi, chàng thanh niên tuổi mười tám đầy mộng mơ đã bỏ ngang những đêm trăng hò hẹn ở sân bóng sau nhà để theo chân cha đi viết giấc mơ của cuộc đời mình. Luỹ tre làng với tiếng kẽo kẹt ngàn đời hôm đó như đứng lặng, để tiễn một giấc mơ tới một vùng đất hứa. Hà Nội, chốn kinh kì hoa lệ trong tất thảy trí tưởng tượng của người dân quê, nhưng riêng tôi thì khác. Hà Nội, đó là nơi cha tôi vẫn mãi miết năm tháng đạp những vòng xe không ngưng nghỉ cho khát vọng mưu sinh, là nơi mà mỗi con phố, cái ngõ đều thấm đẫm, in dấu từng giọt mồ hôi, dấu chân của ông và là nơi mà mọi khát vọng đổi khác đều muốn tìm về nương náu, chở che. Hà Nội đẹp cũng bởi thế.
Chỉ là hiện tại Hà Nội đang không được khỏe, hơn 8 triệu dân Thủ đô đang phải căng mình chống dịch COVID-19. Nhưng tôi tin, Hà Nội sẽ chóng khỏe thôi. Niềm tin ấy mãnh liệt như cái cách Hà Nội đã tồn tại, phát triển qua bao cuộc binh đao khói lửa; mãnh liệt như sợi thủy chung, thương nhớ mà Hà Nội đã âm thầm gieo vào những trái tim yêu mộng mơ, thích hoài niệm.
Đợi Hà Nội khỏe lại, đợi đất nước chiến thắng đại dịch COVID-19, tôi sẽ cùng cha trở lại mảnh đất này, để tìm lại những ấm áp, ngọt ngào năm xưa.