Hà Nội: Hơn 29 nghìn đề nghị gia hạn nộp thuế trong tháng 8
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cho biết, tính đến 31/8/2021, đã tiếp nhận giấy gia hạn đối với doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng là 29.084 người nộp thuế với số tiền đề nghị gia hạn là 8.278 tỷ đồng (tăng 30% so với thời điểm ngày 28/7/2021, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020), theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP).
Đối với tiền thuê đất, đã tiếp nhận đề nghị gia hạn là 1.351 người nộp thuế với số tiền đề nghị gia hạn là 1.044 tỷ đồng (tăng 17% so với thời điểm ngày 28/7/2021, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2020).
Đối với cá nhân kinh doanh, cơ quan thuế Hà Nội đã tiếp nhận giấy gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân với cá nhân kinh doanh là 660 hộ với số tiền đề nghị gia hạn 20,3 tỷ đồng (tăng 150% so với thời điểm ngày 28/7/2021, bằng 38% so với cùng kỳ năm 2020).
Dự kiến, số thuế và tiền thuê đất còn được gia hạn là 13.200 tỷ đồng; trong đó, thuế giá trị gia tăng tháng 3 đến tháng 8 và quý I và II năm 2021 khoảng 5.730 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân tạm nộp quý I/2021 là 6.250 tỷ đồng, tiền thuê đất kỳ 1/2021 là 1.200 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân của hộ cá nhân, kinh doanh là 20 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính cả 5.734 tỷ đồng số thuế tạm nộp quý I/2021 được gia hạn nhưng đến hạn và đã nộp vào ngân sách trong tháng 7/2021 thì tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn đến thời điểm 31/8/2021 là 18.937 tỷ đồng.
Theo đại diện của thành phố Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và an toàn tính mạng của người dân, thành phố đang rà soát các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ để quyết liệt tổ chức thực hiện với quyết tâm kìm chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Trong đó, đã xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế và sẽ nỗ lực, cố gắng để đạt được mức tăng trưởng cao nhất.
Tại Chỉ thị số 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, một nguyên tắc quan trọng được yêu cầu là hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn bảo đảm quy định phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã có chỉ đạo về chủ trương cơ cấu lại ngân sách thắt chặt chi tiêu: nhiệm vụ thu ngân sách đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức khi tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm đang ở mức rất thấp. Ngành Tài chính vừa phải đảm bảo kinh phí cho hoạt động của bộ máy, vừa phải đảm bảo chi cho công tác chống dịch. Do đó, đòi hỏi toàn ngành phải dốc sức, đồng lòng, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách được giao.
Theo Bộ trưởng, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng hơn những dự báo trước đó. Số ca nhiễm tăng cao và những khu vực trọng điểm kinh tế đều bị ngưng trệ, sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Đáng lo ngại, 23 địa phương đang thực hiện giãn cách có số thu chiếm 70% tổng thu ngân sách là hết sức khó khăn. Khi nền kinh tế có vững chắc, doanh nghiệp vững thì các mục tiêu về tài chính - ngân hàng mới vững được.
"Trong tháng 8, số thu ngân sách từ thu nội địa, thu thuế xuất nhập khẩu đều giảm, trong khi phải tăng chi cho phòng chống dịch nên ngành Tài chính phải linh hoạt trong điều hành, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và triệt để tiết kiệm chi”., Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó đoán như hiện nay, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng, công tác thu ngân sách trong những tháng cuối năm sẽ còn rất nhiều thách thức.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biễn dịch Covid tại từng địa bàn và tiến độ thu ngân sách tương ứng. Qua đó, kịp thời đánh giá, phân tích cụ thể, đề xuất với các cơ quan chức năng các giải pháp thu hiệu quả, phù hợp với thực tế tại các địa phương.
Trong tháng 9/2021, Tổng cục Thuế sẽ tập trung hoàn thành để trình Bộ xem xét ký ban hành Thông tư hướng dẫn chung về Quản lý thuế, Thông tư hướng dẫn thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, Thông tư hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ, Thông tư hướng dẫn về thuế Giá trị gia tăng. Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện đề án về hóa đơn điện tử theo tiến độ và lộ trình.
Cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục triển khai đôn đốc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến việc hoàn thuế, miễn giảm, gia hạn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá năm 2020, các kết luận của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại qua các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Xây dựng kế hoạch triển khai kết nối cung cấp thông tin cá nhân qua sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đồng thời, chỉ đạo, triển khai các biện pháp tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, tập trung những lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao trong hoàn thuế.