Hà Nội chậm nhịp với công nghệ từ việc loay hoay trong quản lý, cấp giấy đi đường mới?
Hà Nội liên tục khiến người dân "chóng mặt" bởi giấy đi đường
Theo ghi nhận của báo chí, Hà Nội đã 5 lần thay đổi phương thức cấp giấy đi đường. Lần đầu ban hành mẫu giấy đi lại, sử dụng thống nhất toàn thành phố cho người lao động, doanh nghiệp được phép ra đường vào ngày 29/7.
Đến tối 8/8, chính quyền thành phố ra thông báo điều chỉnh quy định cấp giấy, yêu cầu người đi đường ngoài xác nhận của ủy ban phường và cơ quan, cần thêm lịch trực, lịch làm việc của cơ quan. Nhưng, chưa đầy 48 tiếng sau Hà Nội nhanh chóng hủy bỏ phần gây tranh cãi yêu cầu xin dấu phường kèm lịch trực, lịch làm việc.
Sang đến ngày 5/9, khi thành phố bước sang giai đoạn chống dịch mới Công an Hà Nội ra văn bản hướng dẫn, phân cấp cụ thể về thẩm quyền cấp giấy đi đường có mã QR cho những người đủ điều kiện ra đường, thực hiện từ 6/9, xử phạt từ 8/9. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau đó Hà Nội thông báo tiếp tục cho phép sử dụng cả giấy đi đường mẫu cũ và mẫu mới, kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, xem xét hiệu quả thực tiễn thì nhập hai loại giấy thành một.
Thành phố đang chậm nhịp với công nghệ?
Hệ quả từ sự thay đổi liên tục của việc sử dụng mẫu giấy đi đường thì những ngày đầu thực hiện giãn cách theo giai đoạn chống dịch phân vùng mới, thành phố đã xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, phương tiện tập trung không đảm bảo giãn cách.
Nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội đang chậm nhịp và hụt bước theo kịp công nghệ trong quá trình áp dụng và cấp giấy đi đường có mã QR. Thời đại 4.0 mà sử dụng giấy tờ và con dấu là tư tưởng lỗi thời - đó là ý kiến của Shark Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech từng đăng trên trang cá nhân vào hôm 6/9.
Theo ông, nếu linh hoạt áp dụng công nghệ trong các mẫu giấy đi đường sẽ tiết kiệm được nhiều ngân sách đầu tư của nhà nước cũng như thời gian công sức của bộ máy công quyền và toàn xã hội.
Chủ tịch NextTech phân tích thêm, điểm mới trên mẫu giấy đi đường lần này là QR-Code và Hà Nội sẽ trang bị nhiều máy tính, máy in (để in giấy đi đường) và camera quét mã (để kiểm tra giấy đi đường), nhưng những đầu tư này là cồng kềnh, lãng phí và hoàn toàn không cần thiết.
Hiện tại, theo ông Bình điện thoại thông minh có thể thay thế máy tính, miễn là có một website hay ứng dụng kiểm soát giấy đi đường do thành phố cung cấp. Vấn đề camera quét mã có thể giảm tải các ứng dụng hoặc website kiểm soát giấy đi đường ở mục, bất kỳ cán bộ, chiến sỹ nào cũng có thể dùng điện thoại thông minh để quét mã QR Code giấy đi đường của dân và mọi thông tin về giấy đi đường được cấp sẽ được hiển thị rõ.
Liên quan đến quy trình cấp giấy đi đường bằng mã QR Code, Hà Nội tiếp tục bị báo chí và các chuyên gia đánh giá cồng kềnh, "thủ công hóa" công nghệ - đó là nhận định của Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam với Dân Trí. Ông còn so sánh với các thành phố cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Đà Nẵng, Tp.HCM,... nhưng vấn đề vẫn nằm ở đội ngũ quản lý, đã có thời gian học hỏi từ các địa phương đi trước nhưng phản ứng vẫn rất chậm.
Được biết, trong đợt giãn cách thứ 3, Hà Nội chia 6 nhóm đối tượng để cấp giấy đi đường có mã QR. Tuy nhiên, việc duyệt, cấp giấy đi đường mới nảy sinh một số bất cập. Nhiều nơi xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; một số chốt kiểm soát tập trung đông người, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Mấu chốt vẫn nằm ở vấn đề quản trị
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Trần Quý, trả lời với báo chí thì ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam đã chỉ rõ tình trạng của Hà Nội cũng là tình trạng chung của cả nước hiện nay.
“Cái gì cũng có nhưng rời rạc mỗi thứ 1 tí. Địa phương nào, ngành nào cũng QR Code, nhưng QR Code Hà Nội không giống Tp.HCM, hay Đà Nẵng. QR Code rất tốt, nhưng đang bị dùng như một trào lưu, trong khi quan trọng nhất là mục tiêu phải hiệu quả và nhanh nhất cho người dân, thuận tiện cho quản lý thì chưa rõ”, ông Liên nói. Cụ thể, dù giấy đi đường tại Hà Nội dù có mã QR Code, nhưng vẫn "thủ công nối thủ công" từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường, rõ ràng QR Code cũng chỉ để nói cho vui.
Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng thủ đô không thiếu nguồn lực và cũng không thiếu nhân tài công nghệ, nhưng thành phố đang thiếu hụt về tư duy quản trị và tầm nhìn quản lý tổng thể. Tình trạng luẩn quẩn giấy đi đường của Hà Nội trong mấy ngày gần đây hay quá nhiều app ứng dụng khai báo cho thấy sự thiếu vắng vai trò quản lý.
Ông Liên tiếp tục câu chuyện: “Có cảm giác người quản lý đang chạy theo các vấn đề cụ thể, các vấn đề chịu sức ép, mà thiếu đi một tư duy quản trị chung. Giấy đi đường chỉ là một vấn đề nhỏ trong quản lý...". Lớn hơn nữa còn cả quản lý việc tiêm vaccine để tiến tới như giấy "thông hành xanh" cho mỗi cá nhân, việc quản lý di chuyển, check in tại các điểm đến...
Theo vị Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam các cấp quản lý phải nhìn ra được bức tranh mục tiêu tổng thể, phân định rõ các giải pháp, từ đó mới đặt hàng các ứng dụng công nghệ, khuyến khích, huy động các doanh nghiệp công nghệ tham gia. Ông Liên ví dụ để có 1 phần mềm tổng thể như các nước tiên tiến (như phần mềm Trace Together của Singapore) là không khả thi, do cần rất nhiều thời gian, hiện tại nhìn rộng ra các ứng dụng mới chỉ làm được từng phần, vẫn còn nhiều mục tiêu cần được triển khai nhưng chưa xong.
Quy trình cấp giấy đi đường của Đà Nẵng: Thuận tiện, tốn chưa đầy 2 phút
Trong khi Hà Nội cần cần từ 3-5 phút để giải quyết một hồ sơ cấp giấy, quy trình phức tạp thì Đà Nẵng chỉ cần 2 phút với quy trình khai báo trực tuyến duyệt cấp và người dân được tự in có mã QR code.
Cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông Tp.Đà Nẵng thì hai địa chỉ để đăng ký xin cấp giấy đi đường gồm: Đăng nhập vào website giaydiduong.danang.gov.vn hoặc ứng dụng eTicket-DaNang trên điện thoại di động. Các ứng dụng này cho phép thực hiện các bước đăng ký, phê duyệt, cấp giấy đi đường QR Code và nhận giấy đều trực tuyến. Cơ quan chức năng dựa trên dữ liệu để kiểm tra, xử lý các hành vi đăng ký, cấp và sử dụng không đúng giấy đi đường.
Theo đó, các cơ quan, doanh nghiệp đăng ký kèm theo hình giấy đăng ký kinh doanh; giấy cam kết (có lĩnh vực hoạt động, số người làm việc/tổng người, có ký số); phương án hoạt động trong phòng chống dịch. Tất cả những thủ tục này đều có File tham khảo để các cơ quan, doanh nghiệp nắm.
Người đăng ký phải cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác trên ứng dụng. Để thuận lợi cho việc giám sát, Đà Nẵng yêu cầu người đăng ký giấy đi đường phải cung cấp thông tin biển số xe dùng để đi lại thường xuyên; chi tiết mục đích đi lại và thông tin về nơi cư trú. Người đang ở vùng đỏ không được cấp giấy đi đường.
Sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp giấy đi đường có mã QR code thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản đã đăng ký tự in giấy đi đường và gửi cho người sử dụng.
Tất cả các bước đăng ký, phê duyệt, cấp giấy đi đường QR Code và nhận giấy đều trực tuyến nhằm tránh tụ tập đông người. Thành phố dựa trên dữ liệu để kiểm tra, xử lý các hành vi đăng ký, cấp và sử dụng không đúng giấy đi đường.
Hiện nay, việc phân thẩm quyền duyệt, cấp giấy đi đường đã được quy định về cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, phường xã.
Bộ Công An sẵn sàng giúp Hà Nội chuyện giấy đi đường
Ngày 8/9, đại diện Công an Hà Nội làm việc với C06 về các giải pháp cấp giấy đi đường có mã QR. "Nếu Hà Nội có yêu cầu, chỉ cần cung cấp danh sách những người đủ điều kiện, C06 sẽ đáp ứng nhanh chóng" - Thượng tá Tô Anh Dũng, phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) thông tin với báo chí.
Theo ông Dũng, việc dùng mã QR Code thay cho giấy đi đường hiện nay thực hiện rất dễ dàng vì những thông tin người dân ở trên giấy đi đường hiện tại đã có sẵn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. C06 đã tính toán kỹ và tối giản hóa các thủ tục, đơn giản các quy trình giúp người dân được cấp giấy đi đường bằng mã QR Code nhanh nhất, chính xác và hiệu quả.