Hà Nội: Cục thuế đã nhận được hơn 3.000 đề nghị hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng

07:21 | 28/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thông tin mới nhất thì đã ghi nhận gần 3.150 hộ kinh doanh đã gửi đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68/2021/NP-CP của Chính phủ, Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

Theo Cục Thuế Hà Nội, trong số các hộ đã gửi đề nghị hỗ trợ có khoảng 2.200 hộ kinh doanh được UBND cấp xã gửi sang cơ quan thuế thẩm định; hơn 1.800 hộ kinh doanh thuộc diện hỗ trợ theo kết quả thẩm định của cơ quan thuế.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/2021/NP-CP triển khai gói 26.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mức hỗ trợ là 3.000.000 đồng/hộ kinh doanh, theo phương thức chi trả 1 lần.

Xuất phát từ thực tế đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có cả hộ kinh doanh lâu năm cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi phải thay đổi cách thức hoạt động liên tục để thích ứng với tình hình mùa dịch hoặc thậm chí phải tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố. 

Hà Nội: Cục thuế đã nhận được hơn 3.000 đề nghị hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng - ảnh 1

COVID-19 khiến cuộc sống của nhiều hộ kinh doanh bị đảo lộn, hầu hết phải đóng cửa theo quy định phòng chống dịch. Ảnh: TTXVN

Nhiều hộ kinh doanh chia sẻ rằng tuy mức hỗ trợ trị giá 3 triệu đồng/hộ kinh doanh theo phương thức chi trả 1 lần này tuy không lớn nhưng "một miếng khi đói, bằng một gói khi no" sẽ giúp san sẻ khó khăn phần nào cho người dân và doanh nghiệp (trong đó có các hộ kinh doanh) trong giai đoạn này. 

Cục Thuế thành phố cũng thông tin thêm: Căn cứ vào các quy định thuộc các điều luật hiện hành và quy định về điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định cụ thể việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 thì hộ kinh doanh được hưởng căn cứ theo theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP và khoản 2 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ. 

Các trường hợp trong diện bao gồm: "không phải đăng ký hộ kinh doanh" đối với "những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp" căn cứ theo các quy định nêu trên. 

Ngoài ra, một số thành phần khác cũng được hưởng gói hỗ trợ gồm:  hộ kinh doanh đã được cơ quan Thuế cấp mã số thuế; Hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; các hộ kinh doanh mà cơ quan Thuế đang quản lý thuế ở trạng thái đăng ký thuế “00 - NNT đang hoạt động” đang kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Do đó, những trường hợp không thuộc diện trên sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. 

Tiến hộ triển khai gói an sinh 26.000 tỷ đồng ra sao?

Hội nghị giao ban về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (gói 26.000 tỷ đồng) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có những cập nhật và đánh giá về tiến độ thực hiện gói an sinh này trên bình diện cả nước. 

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đánh giá về cơ bản là tương đối đồng bộ, nhiều nơi đạt kết quả tốt. 

Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chi trả hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng và triển khai 1,8 triệu gói an sinh xã hội, trong đó có trên 500.000 người lao động tự do đã được hỗ trợ. Các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng vận động việc hỗ trợ nhà trọ, giảm tiền nhà, giảm, hỗ trợ tiền điện, nước, tiền ăn, cung cấp các bữa cơm miễn phí, gói quà miễn phí, túi thuốc miễn phí… cho người lao động.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu ra nhiều hạn chế và tồn tại trong triển khai. Đó là nguyên nhân khách quan xuất phát từ tình hình dịch bệnh dẫn đến phải giãn cách xã hội, khó khăn về nguồn lực, có những chính sách có thể triển khai ngay nhưng cũng có chính sách có thể phải kéo dài.

Nguyên nhân chủ quan đến từ nhiều đơn vị, địa phương chưa thực sự chủ động thực hiện nên gây ảnh hưởng cho nhiều chính sách dù "rõ ràng, cụ thể, thông thoáng" tuy nhiên còn chậm đi vào thực tiễn, cuộc sống. Bộ trưởng nêu vấn đề cụ thể: "Tình hình đời sống, việc làm đang rất khó khăn, đang rất cần phải chung tay. Chậm ngày nào chúng ta có lỗi với dân ngày đó". 

Thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 26/8, Việt nam ghi nhận gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động.

Hơn 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã nhận được tiền mặt hỗ trợ; các gói hỗ trợ đã đến với 37.000 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động; hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng đã tới tay gần 1,2 triệu người lao động tự do trong cả nước...

Tổng kết được hơn 13,5 triệu người lao động và đối tượng khác, trên 375.800 người sử dụng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ với khoảng trên 8.000 tỷ đồng.

Thời gian sắp tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát tiến độ và đưa ra đánh giá về các chính sách. Các tỉnh, thành vùng cam, vùng đỏ cần hỗ trợ người dân cái ăn, cái mặc. Đối với vùng xanh cần tập trung giải quyết ngay các chính sách hỗ trợ, không được chờ đợi.

Về phía Bộ, cơ quan này sẽ hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị quyết 68 và Quyết định 23 để gửi xin ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để trình Chính phủ lấy ý kiến ban hành về những thắc mắc của địa phương. 

Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ của địa phương. Bộ cũng sẽ lập các đoàn kiểm tra đi kiểm tra giám sát, tháo gỡ khó khăn cùng địa phương do các cán bộ cấp cao của Bộ làm trưởng đoàn.

H.Sơn

 

Xem thêm: Bộ Quốc phòng điều thêm 2000 quân nhân, 50 trạm xá di động hỗ trợ Bình Dương chống dịch