Hà Nội đấu giá thành công 200 thửa đất tại huyện Mỹ Đức: Tăng gần 10 lần so với giá khởi điểm
Giá khởi điểm cho cả 200 thửa đất ở mức 2,1 triệu đồng/m2. Tổng diện tích 200 thửa đất đấu giá lần này là 25.160 m2; diện tích các thửa đất từ 74,2 - 289 m2.
Cuộc đấu giá được tổ chức bằng bỏ phiếu trực tiếp 1 vòng (đấu giá theo từng thửa đất) và theo phương thức trả giá lên. Kết quả, các thửa đất tại xã An Mỹ đã có giá trúng cao nhất 33,2 triệu đồng/m2, thấp nhất hơn 16,7 triệu đồng/m2. Tổng giá trị 82 thửa đất theo giá khởi điểm khoảng 23,7 tỷ đồng; tổng giá trúng tăng hơn 10 lần giá khởi điểm.
Đối với 115 thửa đất xã Thượng Lâm,giá trúng cao nhất ở mức 29,4 triệu đồng/m2; giá trúng thấp nhất 7,9 triệu đồng/m2. Tổng giá trị 115 thửa đất theo giá khởi điểm gần 28,7 tỷ đồng; tổng giá trúng tăng hơn 8,4 lần so với giá khởi điểm.
Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức, ngày 13/12, huyện tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 40 thửa đất tại khu Dung Dưới, thôn Bột Xuyên; khu Gò Lá, thôn Phú Hữu; khu Đồng Trai 1, khu Cửa Võng, thôn Mỹ Tiên, xã Bột Xuyên. Các thửa đất có diện tích 97 - 315 m2 với mức giá khởi điểm từ 1,1 triệu đồng/m2 đến 1,7 triệu đồng/m2. Đây là mức giá khởi điểm thấp nhất so với các phiên đấu giá đất gần đây ở Hà Nội. Phiên đấu giá vẫn tổ chức với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp một vòng tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên.
Theo kế hoạch, ngày 9/12, huyện Hoài Đức cũng đấu giá 7 thửa đất tại 3 xã: Kim Chung, Lại Yên và Di Trạch; trong đó, 2 thửa tại khu Bờ Đầm, xã Lại Yên có giá khởi điểm 11 triệu đồng/m2, diện tích 68 - 72 m2. Trong tháng 12, huyện Thanh Oai cũng tổ chức ba phiên đấu giá 63 lô tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, xã Đỗ Động. Với giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2 và phải qua tối thiểu 5 - 8 vòng bắt buộc, bước giá 5 triệu đồng/m2. Như vậy, giá trúng thấp nhất theo quy định phải từ 26,5 đến 42,4 triệu/m2.
Từ một số hiện tượng bất thường tại nhiều phiên đấu giá gần đây của Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, giá khởi điểm thấp và tỷ lệ đặt cọc chưa cao, hay thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính kéo dài là một trong những nguyên nhân để các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, gây phức tạp và ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường bất động sản.
Để khắc phục bất cập, tồn tại này, ngày 5/12, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu các đơn vị trên phải đánh giá hiệu quả của việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; không tổ chức đấu giá các khu đất, thửa đất có giá khởi điểm thấp, không có khả năng bù đắp được chi phí, nguồn lực đầu tư tạo quỹ đất (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng...), các khu vực có giá đất theo bảng giá của thành phố thấp hơn chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; đề xuất chuyển mục đích sử dụng sang làm các khu tái định cư phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn hoặc công trình công cộng phục vụ địa phương.
Đặc biệt, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chính phủ và UBND thành phố; nghiêm túc kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc đấu giá quyền sử dụng đất theo Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của UBND thành phố. Đồng thời, căn cứ thực tế tổ chức đấu giá tại địa phương và quy định của pháp luật có liên quan, chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể (giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện...) để kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đấu giá quyền sử dụng đất đúng quy định, có hiệu quả kinh tế cao theo quy định pháp luật, công khai, minh bạch.
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo đề xuất Ban Thường vụ quận ủy, huyện uỷ, thị ủy chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị vào cuộc, hỗ trợ các cơ quan nhà nước thực hiện các kịp thời các biện pháp, đảm bảo không phát sinh phức tạp, ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo đề xuất UBND Thành phố trong tháng 2/2025.