Hà Nội đứng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài

10:07 | 26/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thông tin trên được ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội công bố tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 25-12.

Thời gian qua, để thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, TP Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch và nhiều giải pháp. Cụ thể, Thành phần tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện cải cách TTHC, thông qua phương án đơn giản hóa đối với 61 TTHC thuộc 7 lĩnh vực quản lý nhà nước; sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều thủ tục. Tỷ lệ đơn giản hóa đạt trên 23,3% (dự kiến chi phí tiết giảm cho tổ chức, cá nhân khoảng 43 tỷ đồng/năm).

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018 thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp của Hà Nội dự kiến đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. toàn Thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 7,501 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, dự kiến đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. Riêng trong 3 năm 2016-2018 thu hút được gần 14,05 tỷ USD, bằng 2,25 lần giai đoạn 2011-2015

Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã cấp mới cho 616 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới 5,03 tỷ USD; Tăng vốn 157 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 827,69 triệu USD; Giảm vốn 8 dự án, vốn đầu tư đăng ký giảm 54,26 triệu USD; Chấp thuận góp vốn mua cổ phần của 430 nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 1,688 tỷ USD (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% vốn điều lệ).

Hà Nội đứng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài - ảnh 1
 Hà Nội đứng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài.
Lũy kế đến nay, Hà Nội thu hút trên 36,55 tỷ USD vốn FDI. Các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm phần lớn (chiếm 80%), còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh (chiếm 20%). Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là bất động sản (31%); tiếp theo là công nghiệp chế biến chế tạo (28%), thông tin truyền thông (8,7%).
Trong đó, Nhật Bản hiện là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,6 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 6,9 tỷ USD; đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 5 5 tỷ USD. Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 34,8%), tiếp đến là công nghiệp chế biến chế tạo (24,4%); thông tin và truyền thông (8,72%); xây dựng (6,29%)...
Ông Trần Ngọc Nam khẳng định, Hà Nội luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô. Trong thời gian tới, Thành phố định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.
Trong năm 2019, Thành phố xác định một trong những mục tiêu tổng quát là “cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng”, từ đó xác định những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo điều hành.
Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ CCHC; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chỉnh. Rà soát, rút gọn, đơn giản hóa các TTHC. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; Nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Cùng đó, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng quy mô vốn đầu tư xã hội, (bao gồm đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư công) gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, các trung tâm thương mại, siêu thị. Phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị.