Hà Nội: Hơn 1.400 người trở về từ Cẩm Giàng âm tính với SARS-CoV-2
Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến 17 giờ ngày 18/2, TP đã rà soát 1.938 người trở về từ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Trong đó, 1.801 trường hợp đã được lấy mẫu; 1.417 trường hợp có xét nghiệm âm tính...
Báo điện tử Kinh tế & Đô thị thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê sơ bộ của các TTYT, số người về từ các nơi khác của tỉnh Hải Dương từ 2/2/2021 đến nay là 24.616 người. Trong đó, TP đã lấy mẫu 445 người, 109 người có kết quả xét nghiệm âm tính, còn lại chưa có kết quả xét nghiệm. Các đơn vị đang tiếp tục khẩn trương rà soát và xét nghiệm theo đúng quy định.
Trước đó, tại phiên họp thứ 91của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị tập trung mở rộng xét nghiệm, theo dõi sức khỏe đối với người dân về từ tỉnh Hải Dương. Đồng thời, khẳng định sẽ xét nghiệm toàn bộ người dân đi từ Hải Dương về từ 0 giờ ngày 2/2 trở lại đây.
Hơn 1.400 người trở về từ Cẩm Giàng âm tính với SARS-CoV-2
Trong đó, thực hiện xét nghiệm trước cho những người dân về từ Cẩm Giàng; sau đó, tiếp tục lấy mẫu cho các trường hợp khác trên địa bàn Hải Dương và của 11 tỉnh, thành có nguy cơ cao. Phó Chủ tịch yêu cầu rà soát xong 100% người từ Hải Dương trở về Hà Nội trước ngày 21/2.
Bên cạnh đó, mở rộng xét nghiệm ngẫu nhiên đối với các trường hợp tại các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là những điểm có nguy cơ cao cho cán bộ, công nhân từ địa phương khác trở về và các chuyên gia người nước ngoài; xét nghiệm cho cán bộ y tế, ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, cán bộ khu cách ly... Các đối tượng từ nơi khác trở về phải khai báo y tế đầy đủ…
Theo báo Sức Khỏe & Đời sống dẫn lời PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá về nguồn lây của BN 2.229, cho rằng cho rằng, cần tiếp tục điều tra dịch tễ và chờ kết quả giải trình tự gen vi rút SARS-CoV-2 để làm rõ. Dù việc tìm nguồn lây là quan trọng nhưng truy vết, xét nghiệm, phong tỏa, dập dịch để tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng còn quan trọng hơn. Hiện, về cơ bản, từ ca bệnh này chưa phát sinh thêm bệnh nhân mới nên phần nào cũng yên tâm.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay, các ca dương tính của Hà Nội đều có liên quan đến ổ dịch của tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh, chứ không phải tại chính nội đô. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh của Hà Nội là rất cao. Vừa qua, khi xảy ra dịch tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh là Hà Nội có ca bệnh.
"Hà Nội là đầu mối giao thông, giao lưu đi lại nhiều với các tỉnh, thành phố trên cả nước, do đó thời gian tới vẫn có thể tiếp tục xuất hiện những ca bệnh. Thế nhưng, Hà Nội phải làm sao để những ca bệnh đó chỉ là "những đốm lửa nhỏ" và phải dập ngay, không để lây lan thêm ra ngoài cộng đồng", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Tính từ ngày 27/1 đến 18h ngày 18/2, ghi nhận 36 ca mắc, trong đó có 35 ca tại 8 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Đông Anh, Cầu Giấy, Mê Linh, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình và 1 ca tại tỉnh Hưng Yên khám tại Bệnh viện Phổi trung ương được Bộ Y tế tính là ca bệnh của Hà Nội.
Nguyễn Triệu