(DNVN) - Với 65,39 điểm và giành vị trí thứ 9, vượt lên trên TP HCM, Hà Nội đã góp mặt vào top 10 chỉ số PCI 2018.
Theo kết quả PCI 2018 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, chỉ số PCI của Hà Nội 6 năm đã tăng bậc liên tiếp, tăng 41 bậc. Từ vị trí số 51 trong năm 2012 đã tăng lên vị trí thứ 9 vào năm 2018 và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đã đề ra.
Có thể thấy, trong các chỉ số thành phần để chấm điểm PCI 2018, Hà Nội tăng mạnh điểm ở các chỉ số: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí không chính thức; Tính năng động; Thiết chế pháp lý và Cạnh tranh bình đẳng.
Tuy nhiên, Hà Nội hiện mới chỉ có 4 chỉ số trên 7 điểm là Chỉ số gia nhập thị trường; Chi phí thời gian; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động. Bên cạnh đó, còn tồn tại 1 chỉ số dưới 5 điểm là chỉ số cạnh tranh bình đẳng (đạt 4,48 điểm) và 1 chỉ số có sự sụt giảm so với năm ngoái là chỉ số minh bạch.
Đánh giá về kết quả này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, sau 14 năm kể từ ngày công bố chỉ số PCI thì đối với TP Hà Nội việc cải thiện, nâng cao chỉ số này đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu và thường xuyên trong chỉ đạo của các cấp, các ngành thành phố.
Với quyết tâm đưa Hà Nội trở thành 10 tỉnh dẫn đầu CPI trong cả nước, theo ông Toản, Hà Nội đã tập trung rà soát thủ tục hành chính tại tất cả các cơ sở, ban ngành, quận huyện, thị xã, xã, phường… hướng tới liên thông điện tử; đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử để tận dụng những tác động lớn và trên diện rộng của công nghệ thông tin với mạng lưới doanh nghiệp đông đảo và năng động.
Tính đến nay, Hà Nội có tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3,4 toàn thành phố đạt 55%. Tỉ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, tỉ lệ doanh nghiệp khai thuế qua mạng đạt 98,4%. Rà soát, đơn giản hóa 91 thủ tục liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư giảm 31,5%, trong lĩnh vực quy hoạch giảm 50%. Thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày giảm xuống còn 14 ngày…
Bên cạnh đó, Thành phố còn ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố, mặt bằng sản xuất kinh doanh, xúc tiến thị trường, đào tạo nguồn nhân lực…
Từ những nỗ lực đó, niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với thành phố Hà Nội đã được khẳng định. Chỉ trong năm 2018, Thành phố đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 7,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước và cao nhất trong 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư FDI. Riêng trong 3 năm 2016 -2018 và 3 tháng đầu năm 2019 đã thu hút được gần 18,29 tỷ USD bằng 2,92 lần so với giai đoạn 2011-2015. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục từ trước đến nay với 78,728 nghìn, chiếm hơn 30,2% số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ 1992 đến nay. Nâng số tổng DN đăng ký trên địa bàn thành phố Hà Nội 260.379 DN. Đây chính là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Để phát huy được những kết quả này trong thời gian tới, ông Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh Hà Nội cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để có chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh và thứ hạng của chỉ số PCI.
Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh và thực hiện các quy định của Nhà nước. Phấn đấu 80% thủ tục hành chính của các sở, ban ngành, UBND các quận huyện, thị xã, phường… được cung cấp trực tuyến ở cấp độ 3, 4. Thời gian thông quan hàng hóa dưới 5 giờ 15 phút đối với hàng hóa xuất khẩu và 21 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Công khai, minh bạch thông tin, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng cụ thể về quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các quyết định, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của các đơn vị trực thuộc thành phố.
Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt về vai trò, ý nghĩa của nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh theo chỉ đạo của Chính phủ và yêu cầu phát triển thực tiễn của thành phố. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức “kỷ cương- trách nhiệm-tận tình-thân thiện” để phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Thành phố cũng khuyến khích, giao nhiệm vụ cho các UBND quận huyện, thị xã, phường…phát huy sáng kiến, mô hình tốt trong triển khai nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng hình ảnh cơ quan thân thiện, năng lực và hiệu quả.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng kêu gọi các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp tục hiến kế, đóng góp ý kiến để thành phố tiếp tục có những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.