Hà Nội mưa ngập phổ cổ - Nhìn từ chiếc nắp cống vỡ

10:11 | 28/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Điều cấp bách trong lúc này là song song với việc cải tạo hệ thống thoát nước, thực hiện các giải pháp đồng bộ như nâng cao hiệu quả các hồ điều hòa hoặc thậm chí là xây dựng hệ thống bể ngầm chứa nước mưa…
Phố cổ ngập trong biển nước

Từ trước đến nay, chuyện đường biến thành sông sau các trận mưa lớn ở Hà Nội đã không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, chuyện ngập lụt thường xảy ra ở các khu vực vành đai, các khu đô thị mới phía Tây… là chính, còn khu vực nội thành, nhất là khu phố cổ, phố cũ thường ít bị ngập nặng. Lý do được cho là các khu phố này được quy hoạch khoa học, hợp lý; mật độ xây dựng lớn nhưng chủ yếu là nhà thấp tầng; hệ thống thoát nước được làm từ thời Pháp mặc dù đã cũ nhưng khoa học và khá cân đối với cấu trúc đô thị và hệ thống hạ tầng nói chung. Mặt khác, đây cũng được coi là khu vực đã phát triển tương đối ổn định; đặc biệt là bảo tồn được hệ thống hồ điều hòa lớn như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Hale…, hay các sông tiêu thoát nước như Kim Ngưu, Tô Lịch…

Thế nhưng, trong trận mưa cuối giờ chiều ngày 17/8, khu vực phố cổ và phố cũ của Hà Nội lại là trọng điểm ngập úng. Sau đó, trận mưa tiếp theo đầu giờ sáng ngày 22/8 lại gây ngập úng trầm trọng cho khu vực này. Những điểm ngập úng kinh niên như ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung, Nguyễn Du - Bà Triệu, Lý Thường Kiệt - Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương… bị ngập đã đành, ngay cả đến phố Phùng Hưng, Hàng Nón… và các phố nhỏ trong khu phố cổ cũng bị chìm sâu trong nước. Đặc biệt, khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm nước dâng lên ngập cả phố Lê Thạch, Tràng Tiền…
 
Hà Nội mưa ngập phổ cổ - Nhìn từ chiếc nắp cống vỡ - ảnh 1
Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm chìm trong biển nước (Ảnh: Internet)
 
 
Nguyên nhân đầu tiên được cho rằng đây là những trận mưa có cường độ lớn, lại tập trung trong thời gian ngắn. Nguyên nhân thứ hai được cơ quan chức năng Hà Nội đưa ra là hệ thống thoát nước cũ và lạc hậu, chủ yếu xây bằng gạch cuốn vòm bị quá tải trong các trận mưa lớn. Nguyên nhân thứ ba là do nắng nóng kéo dài nhiều ngày, mưa vào cuối giờ chiều nên lá cây, rác rưởi trên đường phố chưa kịp thu dọn bị nước mưa cuốn theo che lấp miệng cống và dồn xuống cống cản trở thoát nước.

Điều đó là đúng, nhưng chưa đủ. Vậy còn những nguyên nhân nào khác?

Những nguyên nhân chưa được chỉ ra

Phố ngập là do nước thoát không kịp. Điều đó là đương nhiên. Nhưng tại sao nước thoát không kịp?

Ở các đô thị, thông thường nước mưa thoát bằng những cách sau: Thoát nước tự nhiên, là nước mưa bề mặt thấm vào lòng đất rồi trở thành nước ngầm, hoặc chảy tràn trên mặt đất theo độ dốc vào sông hồ rồi thoát ra các khu vực chứa nước. Còn thoát nước chủ động là dồn nước mưa xuống hệ thống cống rồi gom vào các hồ điều hòa và/hoặc thoát ra sông hay đồng ruộng trũng ngoại thành. Ngoài ra, cũng có thể thực hiện thoát nước cưỡng bức bằng cách dùng máy bơm để tiêu thoát nước.

Trong đô thị Hà Nội, khoảng đất trống tự nhiên còn rất ít, hầu như chỉ còn sót lại ở một số công viên ít ỏi. Ở các khu phố, nhà cửa san sát lấp kín bề mặt, mặt đường thảm nhựa nên chỉ còn hệ thống vỉa hè đảm nhận chức năng thấm nước mưa. Trước đây, nhiều vỉa hè được lát bằng gạch block nên nước mưa vẫn có thể thấm xuống đất, giúp tiêu thoát nước. Thế nhưng trong hai năm qua, Hà Nội thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, vỉa hè hầu như được đồng loạt thay mới lát bằng đá xanh. Trước khi lát đá, lớp gạch cũ được dỡ bỏ, đổ một lớp xi măng rồi lát đá lên trên. Điều đó đã vô tình bịt kín không cho nước mưa thấm xuống đất. Mặt đất đã xây gần kín nhà cửa, lòng đường đều được thảm nhựa, nay đến lượt toàn bộ vỉa hè được lát lại, bề mặt bị lấp kín bằng xi măng; như vậy, thoát nước mưa qua việc thấm vào đất ở nội thành Hà Nội đã bị bít kín. Điều này góp phần gia tăng áp lực lên hệ thống thoát nước vốn đã quá tải nói chung và trong khu phố cổ, phố cũ nói riêng. Ngập lụt là khó tránh khỏi.

Còn hệ thống thoát nước thì sao?

Lâu nay, dư luận đã lên tiếng về sự thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch, hiệu quả thấp của hệ thống thoát nước Hà Nội. Đồng thời, sự phát triển lại không theo kịp với tốc độ đô thị hóa và biến đổi khí hậu dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng, thì sự bất cập là điều dễ nhận ra.
Còn thực tế thì thế nào?

Sáng 25/8, tức là sau 3 ngày diễn ra đợt mưa lớn (sáng 22/8), trên vỉa hè phố Tố Hữu đoạn qua ngã tư giao cắt đường Lương Thế Vinh phát hiện có một nắp cống vỡ. Tò mò nhìn vào đường cống thoát nước, thấy bên trong đầy rác và đặc biệt nước vẫn ngập đến gần miệng cống. Thực tế này cho ta hiểu khá nhiều điều về hệ thống thoát nước Hà Nội.

Điều đầu tiên, khoảng trống trong lòng cống còn lại quá hẹp như thế, nếu xảy ra mưa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thoát nước, vì dòng chảy nhỏ nên lưu lượng nước tiêu thoát cũng rất thấp. Điều đó dẫn đến hiệu quả hoạt động của hệ thống thoát nước thấp hơn rất nhiều so với thiết kế. Hệ thống thoát nước đã thiếu trầm trọng, hiệu quả lại thấp thì việc úng ngập là đương nhiên.

Điều thứ hai, trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu là một trong những trục hướng tâm chính của hệ thống giao thông nội đô, và dĩ nhiên cũng là một trong những trục thoát nước chính của thành phố. Ấy vậy mà 2 ngày sau mưa, nước vẫn còn đầy trong lòng cống, chứng tỏ hoặc là mực nước ở hạ lưu cao nên nước không thoát ra được, hoặc là cống bị tắc không thể tiêu thoát nước, hoặc là cao độ của hệ thống thoát nước liên quan đến cốt nền của thành phố có vấn đề.

Khả năng thứ nhất là do khách quan nhưng có thể loại trừ, vì các đợt mưa cách xa nhau, mực nước các sông, trong đó có sông Hồng không quá cao nên vẫn đủ để tiêu thoát nước. Hoặc khả năng này có xảy ra thì cũng có một phần lỗi trong quy hoạch thoát nước.

Còn nếu rơi vào khả năng thứ hai thì là lỗi chủ quan của ngành thoát nước, cụ thể là lỗi ở công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước. Hệ thống thoát nước vừa thiếu vừa yếu, công tác duy tu, vận hành lại yếu nốt thì ngập úng là điều đương nhiên.
 
Hà Nội mưa ngập phổ cổ - Nhìn từ chiếc nắp cống vỡ - ảnh 2
Hệ thống thoát nước vừa thiếu vừa kém hiệu quả thì úng ngập là không tránh khỏi (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân phần nhiều có thể nói là ở khả năng thứ ba, đó là cao độ liên quan đến cốt nền thiếu quy hoạch và thiếu đồng bộ. Các chuyên gia và kiến trúc sư đã nhiều lần chỉ ra tốc độ đô thị hóa quá nhanh nhưng thiếu quy hoạch bài bản dẫn đến hậu quả là hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ. “Rừng bê tông” ở các khu đô thị mới quây kín nội đô chẳng khác gì con đập ngăn cản thoát nước của nội thành, đồng thời cũng gây ngập úng cục bộ trong từng khu vực của bản thân các khu đô thị này. Điều đó làm cho nước mưa không thể thoát kịp và không biết thoát đường nào nên ngập úng là điều đương nhiên.
 
Quy hoạch cốt nền - không thể chậm trễ

Có một thực trạng là do thiếu quy hoạch cốt nền và quản lý cốt nền thiếu đồng bộ, nên các công trình xây sau thường cố cao hơn công trình trước đó để tránh ngập. Hậu quả là cao độ nền không đồng bộ, khi kết nối với nhau lại càng lộn xộn. Trong khi đó, chỉ cần một điểm nhô cao là đã đủ chặn dòng chảy thoát nước tự nhiên cũng như ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Có thể nói, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc sau mưa nhiều ngày mà đường cống thoát nước trục đường Tố Hữu vẫn ngập nước gần đến miệng cống như đã đề cập ở trên!

Cách đây hai chục năm, có chuyên gia xây dựng đã nửa cười nửa mếu khi đề cập đến chuyện bi hài là có trường hợp sau khi đấu nối, đường cống thoát nước khu vực phía ngoài thành phố lại cao hơn phía trong .

Điều đó không dễ để hình dung, thành phố dần dần có thể sẽ hình thành thế “lòng chảo”, và nếu hệ thống thoát nước không được cải thiện, thì hậu quả khu vực nội đô ngày càng úng ngập là điều khó tránh khỏi.
 
Hà Nội mưa ngập phổ cổ - Nhìn từ chiếc nắp cống vỡ - ảnh 3
Khu vực nội thành đã bị "rừng bê tông" quây kín dần dần sẽ trở thành rốn nước (Ảnh: Internet)

Do đó, điều cấp bách trong lúc này là song song với việc cải tạo hệ thống thoát nước, thực hiện các giải pháp đồng bộ như nâng cao hiệu quả các hồ điều hòa hoặc thậm chí là xây dựng hệ thống bể ngầm chứa nước mưa…, thì một biện pháp căn cơ và bền vững không thể chậm trễ là phải nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch cốt nền của thành phố và quản lý chặt chẽ việc thực hiện cốt nền. Chỉ có như vậy mới có thể hạn chế và dần dần đi đến giải quyết được tình trạng úng ngập của thành phố, trong đó có khu vực phố cũ, phố cổ. Nếu không, tình trạng úng ngập sẽ ngày càng trầm trọng và để càng lâu càng khó có thể giải quyết. 
Văn Triều (T/H)
 

ĐỌC NHIỀU