Hà Nội: Nhiều chủ đầu tư chung cư `om` quỹ bảo trì

16:09 | 27/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các quận như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Thanh Xuân trên địa bàn mỗi quận có tới hàng chục toà chung cư chậm trễ trong việc thành lập Ban quản trị, chây ì bàn giao quỹ bảo trì
Chủ đầu tư chiếm dụng tiền quỹ bảo trì để kinh doanh
 
Báo cáo mới đây của cơ quan TP Hà Nội cho thấy, chỉ riêng địa bàn quận Nam Từ Liêm có tới 159 toà nhà cao tang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó có 141 toà chung cư thương mại (CCTM).

Theo quy định của Bộ Xây dựng, sau khi bàn giao căn hộ cho cư dân thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm tiến hành Hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị (BQT) và thông qua các quy định, quy chế, nội dung bảo trì, phí dịch vụ…
 
Hà Nội: Nhiều chủ đầu tư chung cư `om` quỹ bảo trì - ảnh 1
Nhiều toà chung cư tại Hà Nội chưa thành lập BQT và chậm bàn giao quỹ bảo trì 2% dẫn tới những khiếu kiện của cư dân. (Trong ảnh: Cư dân chung cư Athena Complex Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư 379 trả sổ hồng, quỹ bảo trì cho cư dân...)

Thế nhưng hiện tại, quận Nam Từ Liêm có tới 32 toà chung cư chưa thành lập Ban quản trị và 37 toà chưa tiến hành bàn giao kinh phí bảo trì 2%.

Lí giải cho việc này, UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, do tình hình khó khăn nên một số toà chung cư còn nhiều căn hộ trống, chưa bán được hoặc chưa có người đến ở nên chưa đủ điều kiện để tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để thành lập BQT tòa nhà. Ngoài ra, một số chủ đầu tư còn cố tình trì hoãn, chưa nghiêm túc thực hiện hết trách nhiệm trong việc này.

Cũng giống như Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm có tới 141 toà chung cư đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn 25 toà chưa thành lập BQT; 22 toà nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì và 12 toà chưa bàn giao hồ sơ.

UBND quận Bắc Từ Liêm cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong công tác bàn giao quỹ bảo trì 2% là do không có cơ chế kiểm tra, giám sát nên hầu hết chủ đầu tư lấy kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của toà nhà nhập vào tài khoản chủ đầu tư để chiếm dụng kinh doanh.

Còn việc chậm bàn giao hồ sơ là do vướng mắc ở thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng chưa rõ ràng nên khi cư dân yêu cầu bàn giao hồ sơ thiết kế cơ sở hay phương án kiến trúc thì đa số chủ đầu tư không bàn giao.

Tại quận Thanh Xuân hiện cũng có 73 toà CCTM, trong đó có 20 toà chưa thành lập BQT và 7 toà nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì, UBND quận Thanh Xuân khẳng định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bàn giao quỹ bảo trì 2% cho BQT; Trường hợp không bàn giao sẽ căn cứ đề nghị của BQT, tổng hợp gửi Sở Xây dựng và UBND TP thực hiện cưỡng chế theo quy định

Hàng trăm tòa chung cư "om" quỹ bảo trì 

Luật Nhà ở 2014 quy định rõ, chủ đầu tư không được phép sử dụng khoản tiền quỹ bảo trì nhà chung cư, số tiền này phải được chuyển khoản vào một tài khoản riêng. Sau đó, chủ đầu tư phải bàn giao gốc và lãi cho BQT.

Sau khi thành lập BQT, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ thiết kế của tòa nhà cũng như dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ vào đó, cư dân có thể biết được dự án còn thiếu hạng mục nào, tiến độ của các hạng mục là ra sao?
 
Hà Nội: Nhiều chủ đầu tư chung cư `om` quỹ bảo trì - ảnh 2
Tại Hà Nội hiện còn 201 toà chung cư chưa thành lập BQT; 72 toà nhà chưa bàn giao hồ sơ và 127 toà nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì 2%.

Ngoài ra, khi thành lập rồi thì BQT sẽ là đại diện cho cư dân có quyền chất vấn Ban quản lý toà nhà về vấn đề chất lượng dịch vụ và phí dịch vụ, thay mặt cư dân thay thế đơn vị cung cấp dịch vụ phù hợp do cư dân lựa chọn để lợi ích của cư dân là tốt nhất.

Theo sở Xây dựng TP Hà Nội, hiện trên địa bàn TP đã thành lập được 632/833 BQT nhà chung cư, bàn giao hồ sơ 560/632 BQT, bàn giao kinh phí bảo trì 2 % cho 399/526 BQT (không bao gồm 106 toà nhà chung cư xây dựng trước luật nhà ở năm 2005, do không có kinh phí bảo trì).

Như vậy, tại Hà Nội hiện còn 201 toà chung cư chưa thành lập BQT; 72 toà nhà chưa bàn giao hồ sơ và 127 toà nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì 2%. Trong đó, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Thanh Xuân là 3 quận còn tồn tại nhiều nhất.

Gần đây nhất là chủ đầu tư dự án chung cư Hòa Bình Green City tại Hai Bà Trưng Hà Nội đã bị xử phạt 125 triệu đồng do chậm trễ bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Hòa Bình.
 
Tổng kinh phí bảo trì tại dự án Hòa Bình Green City khoảng 41 tỷ đồng của hai tòa A và B. Tuy nhiên, BQT tòa nhà đã được lập ra từ ngày 21/3/19 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao quỹ cho BQT.

Hay tại chung cư Athena Xuân Phương cũng xảy ra tình trạng như vậy. Do thang máy thường xuyển hỏng nên xảy ra tình trạng người dân chen nhau sử dụng thang máy còn lại. Đặc biệt là giờ tan tầm hoặc đầu buổi sáng đi làm thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc. Nhiều người chờ lâu quá đành phải sử dụng thang bộ để về nhà.

Chị Trang – Cư dân Athena Xuân Phương cho hay: Dù BQT đã thành lập được hơn 1 năm nay nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân nên không có kinh phí để sửa chữa những hỏng hóc. Cư dân hiện giờ đang khổ lắm rồi.

UBND Quận Nam Từ Liêm đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư Công ty TNHH phát triển và đô thị xây dựng 379 bàn giao phí bảo trì 2% cho cư dân nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được số tiền trên.

Đại diện BQT chung cư Athena Complex Xuân Phương cho biết: Về nguyên tắc, sau khi BQT tòa nhà được thành lập 7 ngày thì CĐT phải bàn giao số tiền đó cho cư dân. UBND Quận Nam Từ Liêm cũng ra tới 3 văn bản yêu cầu CĐT nhưng đến nay CĐT vẫn chưa thực hiện.

Phạt tiền không đủ sức răn đe

Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây, những tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì nhà chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân đang xảy ra ngày một nhiều. Các chủ đầu tư thường né tránh hoặc biện lý do sửa chữa để “chây ỳ” không bàn giao kinh phí cho ban quản trị.

Thống kê hồi quý I/2020 của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 3/2020 có khoảng 70 nhà chung cư có tranh chấp liên quan đến khoản tiền kinh phí bảo trì 2%. Tại nhiều chung cư, khoản tiền này có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Đây là những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua.

Tại Hà Nội, có thể kể đến các dự án như Star City (81 Lê Văn Lương, Hà Nội, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư) được hoàn thành và bàn giao từ năm 2014 nhưng tới nay phần quỹ bảo trì mà chủ đầu tư mới bàn giao cho cư dân chỉ khoảng 2,4 tỷ đồng, trong tổng số hơn 30 tỷ đồng. Hay Chung cư nhà B của Vinaconex 2, chung cư BMM (phường Phúc La, quận Hà Đông) của Cty sản xuất thương mại BMM,...

Với trường hợp của Cty Vinaconex 2, UBND quận Bắc Từ Liêm mới đây cũng đã có đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét, không giao chủ đầu tư các dự án nhà ở tiếp theo trên địa bàn TP đối với đơn vị này sau nhiều lần cưỡng chế nhưng vẫn không bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp trước đó, Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty Luật DC Counsel cho biết, hiện nay, đối với các chủ đầu tư “chây ỳ” bàn giao phí bảo trì chung cư, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ chủ đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng nếu có hành vi “Không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định.

"Tuy nhiên, mức phạt tiền như nói trên chưa đủ sức răn đe và chưa xét đến tổng số tiền phí bảo trì chung cư nhiều hay ít. Bởi thực tế, chung cư nhỏ thì tiền phí bảo trì chỉ vài tỷ đồng, nhưng với chung cư quy mô vài ngàn căn hộ thì số tiền này lên tới hàng trăm tỷ đồng. Mức phạt cao nhất chỉ 150 triệu đồng thì chỉ như “muối bỏ bể”" - Luật sư Chánh khẳng định.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trước đó Bộ đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với những chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định của pháp luật, Bộ đề xuất các cơ quan chức năng tiến hành tổ chức, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm.
 
Nguyễn Triệu (T/H)