Hà Nội sẽ xem xét nới lỏng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng 2,3 theo Chỉ thị 15
Cụ thể, nhận định về tình hình tiêm chủng diện rộng, ông Chử Xuân Dũng cho biết các đơn vị, quận huyện đã cơ bản đảm bảo tiến độ, một số địa phương đã về đích sớm. Phó Chủ tịch thành phố đề nghị các đơn vị còn lại tăng tốc hơn nữa tuy nhiên phải đảm bảo an toàn, thực hiện 5K tại các khu vực lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng; duy trì an sinh xã hội; đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Phó Chủ tịch yêu cầu cần nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu do thành phố đề ra, bởi “mũi chủ công” khống chế dịch bệnh chính là xét nghiệm diện rộng và tiêm phủ vaccine.
Ông đề nghị Công an Thành phố làm việc cùng đơn vị của Bộ Công an, Sở Thông tin và Truyền thông để có thể tích hợp các phần mềm dùng chung trong phòng, chống dịch COVID-19, nhằm đem lại thuận tiện cho người dân.
Về diễn biến dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, hiện thành phố còn 7 chùm ca bệnh. Riêng ngày 14.9, có thêm 1 địa điểm phong tỏa, nâng tổng số điểm hiện còn phong tỏa trên toàn thành phố lên 79 điểm. Hiện tại, còn khoảng 4.700 người cách ly tập trung; đã điều trị 3.892 F0, trong đó, đang điều trị 1.028 bệnh nhân F0… Xét nghiệm tiếp tục phát hiện thêm 19 mẫu dương tính trong 3.262.000 mẫu, trong đó có 2.227.000 mẫu PCR và hơn 1.000.000 test nhanh.
Liên quan đến các điểm cung cấp hàng hóa cho người dân, đại diện Sở Công Thương cho biết đến thời điểm này trên địa bàn thành phố có 17 siêu thị 0 đồng đang hoạt động, 72 điểm bán hàng lưu động. Làm theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sau đợt chia tách 3 vùng dịch từng bước các hoạt động sản xuất-kinh doanh, đến nay Sở Công Thương đã lên phương án cung ứng hàng hoá chi tiết, đảm bảo hàng hoá dồi dào phục vụ người dân.
Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải thông tin rằng thành phố có 2 điểm xét nghiệm cho lái xe vận chuyển hàng hóa “luồng xanh” do Bộ Giao thông vận tải bố trí là bến xe Nước Ngầm và bến xe Yên Nghĩa. Nhằm đảm bảo giãn cách cho 2 điểm hiện có, Sở đề nghị thành phố tổ chức thêm 4 điểm xét nghiệm cho nhóm người thực hiện công tác vận chuyển này.
Về vấn đề an sinh xã hội, ông Dũng đề nghị các quận, huyện quan tâm, giải quyết những kiến nghị của người dân liên quan đến việc tiêm vaccine, hỗ trợ an sinh. Phó Chủ tịch lưu ý, từng việc dù nhỏ cũng phải chú ý; trả lời, giải thích rõ ràng ngay, không để xuất hiện tình trạng bức xúc trong dân.
Vùng 2 và 3 đã có thể nới lỏng và triển khai hoạt động sản xuất, kinh tế
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng đã gợi ý khi được hỏi về xem xét nới lỏng một số hoạt động trên tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh: “Phân vùng 2, 3 ngay từ bây giờ có thể mạnh dạn triển khai các hoạt động sản xuất-kinh doanh an toàn theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Trong khi đó, các khu vực phát sinh F0 phải xét nghiệm thần tốc để sau khi hoàn thành xét nghiệm, tiêm vaccine thì thu hẹp nhất vùng nguy cơ, quản lý chặt chẽ.”
Tuy nhiên, hiện thành phố vẫn chưa cung cấp cụ thể về các hoạt động sẽ được nới lỏng.
Hiện tại, phân vùng phạm vi của Hà Nội là:
Vùng 2 (phía Bắc, Đông Sông Hồng): Được phân cách bởi hệ thống Sông Hồng, Sông Đuống với Vùng 1. Phòng chống nguy cơ xâm nhập phía Bắc, Đông Bắc. Trong Tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính “độc lập” cao.
Phạm vi: Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Vùng 3 (phía Tây, phía Nam thành phố): Vùng sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm Công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.
Phạm vi: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 05 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.