Hà Nội: Shipper trong vùng 1 hoạt động như thế nào?

07:00 | 08/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hà Nội đã cho 14.200 shipper hoạt động trở lại, những shipper này chỉ được phép giao hàng hoá do cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm. Ngoài ra, shipper còn phải xuất trình tin nhắn xác nhận của Sở GTVT cho cơ quan chức năng.

Từ 7/9, lực lượng shipper đã bắt đầu hoạt động trở lại trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Cho đến thời điểm hiện tại, Sở Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội đã cấp phép cho 14.200 shipper hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, còn hơn 600 xe đang chờ duyệt.

Trong thông báo gửi các đơn vị có liên quan, trong đó có doanh nghiệp quản lý hoạt động shipper, lãnh đạo SỞ GTVT Hà Nội cho biết, thực hiện việc giám sát, quản lý hoạt động vận chuyển giao nhận, hàng hóa, bưu phẩm, bưu chính bằng xe mô tô, xe 2 bánh trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị giãn cách mới của UBND thành phố, Sở GTVT thông báo về các điều kiện hoạt động vận chuyển giao nhận, hàng hóa, bưu gửi bằng xe mô tô, xe 2 bánh tại Vùng 1.

Ảnh minh họa

Về thời gian, Sở GTVT Hà Nội cho biết, shipper được phép hoạt động bắt đầu từ 9h đến 20hhàng ngày. Phạm vi hoạt động: Vùng 1, gồm 10 quận, huyện trung tâm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Thanh Trì; một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai.

Với điều kiện hoạt động, ngoài mã nhận diện được Sở GTVT cấp, nhân viên shipper phải phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định của Bộ Y tế.

Sở GTVT Hà Nộ cũng đề nghị các sở: Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đối với nhân viên giao hàng khi tham gia vào hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa, bưu gửi.

“Rà soát, tổng hợp danh sách nhân viên giao hàng của các đơn vị, doanh nghiệp duy trì hoạt động ở mức tối thiểu để đảm bảo cung ứng vận chuyển giao nhận hàng hóa, gửi Công an thành phố để được cấp giấy đi đường”, thông báo của Sở GTVT Hà Nội nêu rõ.

Cụ thể hơn, chỉ có nhân viên giao hàng của các siêu thị, sàn thương mại điện tử và công ty bưu chính chuyển phát bưu phẩm được cơ quan quản lý đăng ký, có mã QR Code thì mới được phép hoạt động. Shipper là đối tác của các ứng dụng như Grab, Be, Gojek, My Go và Fast Go vẫn chưa được hoạt động

Các dịch vụ giao nhận hàng hóa (GrabExpress), đi siêu thị, đi chợ hộ (GrabMart) vẫn tiếp tục duy trì nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dùng, giảm tập trung đông người.

Để hoạt động shipper từ ngày 7/9, những người hành nghề này phải có tin nhắn xác nhận đồng ý cấp phép của Sở. Shipper có trách nhiệm chụp ảnh màn hình tin nhắn lại và cung cấp cho lực lượng chức năng mỗi khi được yêu cầu. Ngoài ra, đây phải là lực lượng shipper thuộc các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử.

“Việc đảm bảo mặt hàng thiết yếu do các đơn vị quản lý shipper chịu trách nhiệm. Shipper cũng chỉ được phép vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm do cơ quan, đơn vị đó quản lý”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết.

Bên cạnh đó, theo quyết định phân vùng mới nhất của UBND TP Hà Nội, các quận nội thành được xác định là “vùng đỏ” nên hàng quán chưa được phép hoạt động. Chỉ có một số quán ăn (không uống) của “vùng da cam” và “vùng xanh” được bán mang về. Tuy nhiên, người của các vùng không được di chuyển qua lại nếu không có lý do chính đáng. Quyết định này sẽ khiến lực lượng shipper “hùng hậu” vừa được cấp phép khó lòng hoạt động.

Kiểm soát chặt "vùng đỏ"

Báo Kinh tế & Đô thị thông tin từ Công an Hà Nội đề nghị Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện liên quan phối hợp tổ chức chốt trực tại các tuyến đường ra, vào phân vùng 1.

Trong đó, 21 chốt trực của thành phố đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao (16 cán bộ/ca/chốt), các chốt trực 24/24h, chia làm 4 ca trực, 6 giờ/ca, với chốt trưởng là cán bộ Phòng PC08 - Công an TP Hà Nội.

Nhiệm vụ của các chốt trực: Kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện vào, ra phân vùng 1, bảo đảm an ninh, trật tự, hướng dẫn, phân luồng giao thông.

Tổ công tác đặc biệt Công an TP Hà Nội kiểm soát người và phương tiện đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách ở nội đô. 

Dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế; kiểm tra Giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định; kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển các loại hàng hoá thiết yếu; có thể xét nghiệm nhanh Covid-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết;

Kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào phân vùng 1. Các chốt trực kiên quyết yêu cầu quay đầu với các trường hợp không đủ điều kiện.

Dự kiến, vị trí 21 chốt tại phân vùng 1 của Hà Nội gồm: Cầu Thăng Long; Cầu Diễn; Cầu Thạch Bích; Cầu sông Đáy; Cầu Mai Lĩnh; Câu Quán Gánh; Cầu Thanh Trì; Cầu Vĩnh Tuy; Cầu Chương Dương; Cầu Nhật Tân; Cống Liên Mạc; Cầu vượt Sông Nhuệ; Cầu Ngà; Cầu 72 II; Cầu Cù Sơn; Cầu Tân Phú; Ngã ba đê Tả Đáy; Cầu Khê Tang; Cầu Qua Ngã ba đê Hữu Hồng - Trạm Bơm Hồng Vân; Cầu Long Biên.

Ngoài ra, 9 chốt trực của UBND quận, huyện đặt tại vị trí có mật độ giao thông trung bình (9 cán bộ/ca/chốt) và 9 chốt trực của UBND xã, phường, thị trấn đặt tại vị trí có mật độ giao thông thấp (4 cán bộ/ca/chốt).

Theo UBND TP Hà Nội, vùng 1 được xác định: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao.

Phạm vi: Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn