Hà Nội thu hồi hơn 300 dự án bỏ hoang: Hết thời chủ đầu tư ôm đất chờ hưởng lợi?
Hơn 300 dự án chậm triển khai tại Hà Nội, có những dự án bỏ hoang cả thập kỷ. Vậy đâu là giải pháp nào để chấm dứt tình trạng các dự án ôm đất? Hà Nội hiện đang tích cực triển khai việc thu hồi các dự án bỏ hoang.
Mặc dù hàng trăm dự án ở Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm, chưa nộp tiền sử dụng đất… nhưng chủ đầu tư vẫn quyết ôm đất để chờ thời, hưởng lợi, gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở vùng dự án.
Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, qua các đợt thanh, kiểm tra 379 dự án, Sở đã kiến nghị thành phố thu hồi 28 dự án với tổng diện tích đất sử dụng hơn 1.844 ha. Còn 25 dự án với tổng diện tích đất 39ha bị chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, Sở kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện thêm 24 tháng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải nộp khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất trong 24 tháng. Nếu hết thời gian gia hạn mà các chủ đầu tư vẫn không hoàn thành các nghĩa vụ thì dự án sẽ bị thu hồi.
Hàng trăm dự án có quy mô đất lớn song đầu tư dở dang, bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị đưa 87 dự án ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai, sử dụng đất. Mặc dù nằm trong danh sách chậm triển khai sử dụng đất nhưng 87 dự án đang được Sở này đề nghị đưa ra khỏi danh sách do đang trong tiến độ thực hiện dự án; có quyết định giao đất nhưng chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng; chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Theo Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội, mới có 30 dự án được thu hồi 2 năm qua. Con số này vẫn còn ít ỏi, khi chỉ chiếm khoảng 1% số dự án bỏ hoang ở Hà Nội.
Trong khi Hà Nội đang rất khan hiếm quỹ đất để thực hiện các dự án công cộng và nhà ở, thì hàng trăm dự án lại bị bỏ hoang lãng phí suốt nhiều năm qua, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân và bộ mặt đô thị.
Trước tình hình này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP.Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất.
Và 2 tháng gần đây, Sở Kế hoạch và đầu tư TP.Hà Nội đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của 2 dự án bỏ hoang suốt nhiều năm qua.
Đó là dự án Khu nhà ở để bán tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đã được cấp chứng nhận đầu tư từ cách đây 12 năm trước. Dự án thứ 2 bị thu hồi là dự án đầu tư tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm.
Lý do chấm dứt hoạt động là do các công ty được giao dự án không thực hiện được theo tiến độ quy định của pháp luật. Thậm chí, sau khi được giao đất, các chủ đầu tư không tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện các bước thủ tục của dự án.
Theo quy định, dự án sẽ bị thu hồi nếu chậm đưa đất đã được bàn giao vào sử dụng trong vòng 12 tháng. Nhưng lại chưa có quy định xử lý dự án chậm giải phóng mặt bằng như thế nào, kéo dài trong bao nhiêu năm? (Ảnh: Dân trí)
Theo Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014 quy định, sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này thì dự án đầu tư sẽ bị chấm dứt hoạt động.
Theo Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco cho biết, mặc dù việc thu hồi dự án đã được pháp luật quy định rõ ràng, nhưng thực hiện việc thu hồi dự án đang triển khai dở dang lại không hề dễ dàng do liên quan đến việc xử lý các tài sản gắn liền trên đất đã được triển khai xây dựng. Nhà đầu tư có quyền đòi hỏi quyền lợi, tuy nhiên pháp luật lại chưa có chế tài xử lý phần tài sản này. Chủ yếu việc giải quyết dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên chính quyền và chủ đầu tư.
Theo đó, chủ đầu tư dự án nếu không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa sẽ được cho phép gia hạn sử dụng thêm 24 tháng. Sau thời gian đó dự án sẽ bị xem xét để thu hồi.
Nhưng trên thực tế, đó là quy định cụ thể, nhưng các chủ đầu tư không thiếu gì cách để trốn tránh việc thu hồi, trả lại đất cho nhà nước.
Phản ánh thực tế của VTV về Dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh là một ví dụ điển hình. Nằm ở vị trí đắc địa, ngay gần UBND quận Hoàng Mai. Thế nhưng gần chục năm nay dự án vẫn bị bỏ hoang. Các hộ dân trong vùng quy hoạch cho biết, họ không được cấp phép xây dựng nhà cũng không mua bán được. Hiện nay, dự án đã được đổi chủ và do liên doanh 3 công ty cùng thực hiện tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến.
Đây là một trong những dự án chậm triển khai nhiều năm nhất của Hà Nội. Nguyên nhân được chủ đầu tư lý giải là do chậm giải phóng mặt bằng.
Đây là một dự án rất lớn rộng đến 35ha, nằm ở trung tâm phát triển bậc nhất của quận Hoàng Mai. Tuy nhiên đã 16 năm qua, dự án này vẫn chưa hề được triển khai.
Ông Đặng Trung Khiên, Trưởng phòng Quản lý Dự án - Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Licogi phát biểu trên truyền hình: "Do thời gian vừa qua các hộ dân vẫn chưa hợp tác, gần đây UBND quận Hoàng Mai đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 cho khoảng 700 hộ dân. Ngày 9/9 đã có văn bản báo cáo Sở Tài Nguyên Môi trường và UBND thành phố để đề nghị các chủ đầu tư thực hiện dự án".
Các chủ đầu tư dùng nhiều cách để trốn tránh việc thu hồi, trả lại đất cho nhà nước. (Ảnh: Dân trí)
Theo quy định, dự án sẽ bị thu hồi nếu chậm đưa đất đã được bàn giao vào sử dụng trong vòng 12 tháng. Nhưng lại chưa có quy định xử lý dự án chậm giải phóng mặt bằng như thế nào, kéo dài trong bao nhiêu năm? Ngoài nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng, một số chủ đầu tư dự án chây ỳ, do không đủ năng lực thực hiện. Một số khác thì luôn tìm cách trốn tránh việc thu hồi.
"Khi 1 dự án chậm triển khai, mà cố tình điều chỉnh, chúng tôi đề nghị là các sở ngành nên có quan điểm đồng thuận với quận, kiên quyết thu hồi giao cho chủ đầu tư khác có năng lực hơn", ông Vũ Quỳnh - Trưởng phòng Quản lý Đô thị, Quận Hoàng Mai, Hà Nội trao đổi với VTV.
Các chuyên gia lý giải nguyên nhân thật sự khiến nhiều chủ đầu tư dù không còn năng lực triển khai dự án nhưng vẫn quyết không trả đất, là bởi đằng sau đó là ý định ôm đất chờ thời, bán sang nhượng cho doanh nghiệp khác với giá cao. So với thời điểm 10 năm trước, giá đất hiện nay chênh lệch không hề nhỏ.
Theo chia sẻ của chính quyền một số địa phương, việc thu hồi dự án chậm bỏ hoang là một quá trình gian nan. Đặt biệt, có những dự án chủ đầu tư đã thế chấp đất vay vốn ngân hàng, hoặc huy động vốn, thu tiền từ khách hàng. Thậm chí, dự án thu hồi xong rồi sẽ xử lý các bước tiếp theo như thế nào cũng là bài toán nan giải.
Cụ thể, một trong hai dự án mới bị thu hồi thời gian gần đây tại Hà Nội, do dự án bị bỏ hoang quá lâu, nhiều nhà dân đã lấn chiếm xây nhà tạm, một số vị trí trở thành bãi rác thải. Tuy nhiên hiện nay, phường vẫn đang chờ các bước xử lý tiếp theo sau quyết định thu hồi giao đất của thành phố
Cán bộ địa chính phường Mễ Trì - Nam Từ Liêm - HN, ông Nguyễn Khắc lợi cho biết vì hiện nay người dân cũng đã nắm được chủ trương thu hồi đất của thành phố nên rất dễ xảy ra tình trạng người dân tự ý sửa sang, xây dựng nhà cửa trên khu đất. Địa phương đang kiến nghị lên UBND Thành phố sớm chỉ đạo và giao cho các nhà đầu tư khác thực hiện dự án một cách nhanh chóng.
Hoặc tình trạng chung của một vài dự án khác là chủ đầu tư đã nộp một khoản tiền khoảng vài tỷ đồng vào ngân sách nhà nước khi được giao đất, bởi vậy khi thu hồi dự án các cơ quan chức năng phải tính toán phương án giải quyết khoản tiền đã nộp như nào và giả lại cho chủ đầu tư bao nhiêu. Đây là bước mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền xử lý nhanh.
Quỹ đất tại Hà Nội đang ngày càng eo hẹp là một trong những lý do thúc đẩy Thành phố mạnh tay thu hồi loạt án bỏ hoang. Tuy nhiên, mỗi dự án lại có một vướng mắc riêng, cần có các phương án xử lý phù hợp, kịp thời.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản hy vọng đợt rà soát, thu hồi lần này của Thành phố sẽ giúp xóa bỏ dự án bỏ hoang một cách triệt để, doanh nghiệp sẽ có thêm quỹ đất để triển khai loạt dự án mới. Người dân cũng không phải sống trong cảnh tạm bợ ở các ngôi nhà lụp xụp và mòn mỏi chờ đợi không biết tới bao giờ.
Hải Yến