Hà Nội tiên phong tạo cơ chế mở cho doanh nghiệp phát triển
22:40 | 09/05/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại phiên thảo luận thứ nhất Diễn đàn quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán của Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chia sẻ ứng dụng công nghệ Việt giải quyết bài toán của Thủ đô
Theo ông Nguyễn Đức Chung, thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4. Mỗi địa phương phải tìm ra những giải pháp công nghệ thông minh để nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề vận hành bộ máy. Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, những năm qua, Hà Nội đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình công nghệ thông tin trên toàn địa bàn. Trong đó, tập trung vào xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hoá giúp tiết kiệm thời gian, chí phi và nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân và doanh nghiệp. Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu.
Bên cạnh đó, Hà Nội thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: Chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số; huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ; tích hợp và khai thác các dịch vụ số; ứng dụng tối đa các văn bản điện tử; sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số; tăng ứng dụng trên thiết bị di động; chuẩn hoá công nghệ thông tin cho nhân dân; khuyến khích người dân tăng sử dụng công nghệ số.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 3 năm qua, kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử của thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Hơn 9 triệu dân được đưa vào cơ sở dữ liệu dân cư, vấn đề kết nối giữa sở ban ngành, cơ quan liên quan đến Thành phố được thực hiện nhanh gọn. Các dịch vụ công trực tuyến được xử lý nhanh chóng.
Cụ thể, hiện có 17 chương trình Thành phố đang ứng dụng công nghệ ở hầu hết các lĩnh vực lớn. Hơn 3,530 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội tạo ra doanh thu 244.266 tỷ đồng năm 2018. Đây là một kết quả chứng minh Hà Nội đang thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, phục vụ phát triển Thành phố thông minh. Đặc biệt, việc áp dụng ứng dụng trông giữ xe thông minh iParking trong thời gian qua của TP. Hà Nội đã đạt hiệu quả, đảm bảo sự minh bạch, kiểm soát được doanh thu…
Trong thời gian tới, mong muốn sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, Thành phố cần xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng xa lộ thông tin đến mọi ngóc ngách đồng thời khuyến khích doanh nghiệp sản xuất công nghệ mới.
Bên cạnh đó, Thành phố đang xây dựng cơ sở dữ liệu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng này nhằm tạo ra hệ sinh thái công nghệ. Ứng dụng công nghệ cần có chính sách thiết thực về tài chính để giúp các doanh nghiệp, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin.
Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Chủ tịch Hà Nội đề xuất đưa các chương trình liên quan đến công nghệ vào giảng dạy từ hệ phổ thông. Chính sách này sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, xóa mù công nghệ thông tin để trở thành cường quốc công nghệ trong 15 năm tới.
"Thành phố sẽ cải cách làm thông thoáng cơ chế, trở thành một trong những thành phố đầu tiên có cơ chế mở cho doanh nghiệp phát triển", ông Chung nói.
Ngoài ra, Thành phố sẽ tạo điều kện cho doanh nghiệp phát triển, chủ động rà soát, bãi bỏ những cái không cần thiết, bổ sung cái mới đồng thời kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, Chủ tịch Hà Nội cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các địa phương, thí điểm cơ chế đầu tư công nghệ thông tin, xây dựng, công bố các tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu tại các địa phương.