Hà Nội: Tổng lực phòng, chống dịch sớm đưa Thành phố an toàn trở lại

19:18 | 02/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung thực hiệp các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ cốt yếu trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2021. Trong đó đề cập nhiều đến các công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố.
 
Theo đó, thực hiện Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 68 của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Thành phố vừa phải ngày đêm căng sức chống dịch, vừa duy trì thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo an ninh, quốc phòng trong điều kiện giãn cách xã hội. 

Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 Thành phố đã chủ trì nhiều cuộc kiểm tra, chỉ huy phòng, chống dịch tại các địa bàn; quyết định thành lập 03 Tổ công tác chuyên trách do 3 đồng chí Phó Chủ tịch, Phó Chỉ huy Trưởng phụ trách công tác giám sát, xét nghiệm, cách ly, tiêm vaccine; thu dung, điều trị; hậu cần, điều kiện cơ sở vật chất phòng chống dịch và phục vụ khu cách ly tập trung. Thành phố đã triển khai 10 đợt tiêm vaccine với hơn 2 triệu mũi tiêm.

Hà Nội: Tổng lực phòng, chống dịch sớm đưa Thành phố an toàn trở lại - ảnh 1

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban Sở Chỉ huy phòng chóng dịch Covid-19 TP

Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Thành phố đã hỗ trợ 313,17 tỷ đồng cho 12 nhóm đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ 282.552 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 282,552 tỷ đồng. 

Đồng thời hỗ trợ 54 tỷ đồng cho 18 tỉnh, thành phố phía nam chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; gửi tặng thành phố Hồ Chí Minh nhiều thiết bị y tế; cử các đoàn y, bác sĩ đến tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hỗ trợ công tác xét nghiệm.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình phát triển KT-XH, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp chịu nhiều tác động tiêu cực, nhiều chỉ số sản xuất và tiêu dùng của Thành phố trong tháng 8 giảm so với tháng 7 như: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), kim ngạch xuất, nhập khẩu. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm trên 2 con số (giảm 32,2% so với tháng 7 và giảm 51,2% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 8 tháng giảm 8,9%).

Số doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng giảm 7% so với cùng kỳ; 2.204 doanh nghiệp giải thể, tăng 36%. Tháng 8, Thành phố có 12 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 17,6 triệu USD. 8 tháng, đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 9.599 tỷ đồng; thu hút vốn FDI đạt 841,8 triệu USD. 

Số thu từ nhà, đất đạt thấp và có sự suy giảm so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất giảm 22,9%… Vốn đầu tư thực hiện từ NSNN do địa phương quản lý tháng 8 giảm 15,5% so với tháng trước và giảm 18,9% so cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư XDCB Kế hoạch 2021 - ngân sách địa hương đạt thấp, thấp hơn cùng kỳ năm trước, đạt 31% kế hoạch giao (năm 2020 đạt 34,2%), và thấp hơn bình quân chung của cả nước. 

Du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề; khách du lịch trong nước giảm mạnh (giảm 11,8% so cùng kỳ); tính chung 8 tháng khách quốc tế đến Hà Nội giảm 83,3% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,77% so với tháng trước, tăng 2,81% so cùng kỳ; 8 tháng tăng 1,49% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Dù vậy, nhiều chỉ số kinh tế cũng có dấu hiệu khả quan như: Tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 164.483 tỷ đồng, đạt 69,8% dự toán Trung ương giao (đạt 65,4% dự toán Thành phố giao), bằng 110,3% so với cùng kỳ. 

8 tháng đầu năm 2021, chỉ số IIP một số ngành công nghiệp đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nổi bật như sản xuất xe có động cơ tăng 21,6%, sản xuất trang phục tăng 18,2%, sản xuất đồ uống tăng 16,1%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 10,9%... Tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý (trừ dầu) tăng 9,7% so cùng kỳ, trong đó thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh tăng 28,9% so cùng kỳ.

Hiện tại, tình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố, để đảm bảo công tác phòng chống dịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường tại thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19, các chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm dập tắt nhanh nhất các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn Thành phố.

UBND TP Hà Nội cũng phân công các Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng Ban chỉ đạo TP, Phó Chỉ huy trưởng TP, Tổ trưởng các Tổ công tác chuyên trách thuộc Sở Chỉ huy TP tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nghiêm, thực chất việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 1102/CĐ-TTg, Công điện số 1108/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 230/TB-VPCP ngày 01/9/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đặc biệt là kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, tăng cường kiểm soát các chốt ra vào Thành phố, kể cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường mòn, lối mở, kiểm tra kỹ tất cả các loại phương tiện, không có ngoại lệ.

Tăng cường kiểm soát các chốt nội bộ trong thành phố tại các quận huyện; kiểm soát việc đi lại của người dân trong các khu vực, nhất là khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung, nơi có nguy cơ cao, không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”; quán triệt quan điểm lấy nhân dân làm trung tâm, làm chủ thể trong phòng, chống dịch và  đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. 

Tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị, trong đó chú trọng: kiểm tra việc chuẩn bị các khu cách ly của cấp quận, huyện, thị xã; việc tổ chức quản lý điều hành tại các khu cách ly tập trung F1, các cơ sở thu dung điều trị F0 nhẹ.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn, xem xét phê duyệt phương án hoạt động cho các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp trực thuộc sản xuất an toàn theo nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, trong đó phải cam kết toàn bộ công nhân phải được tiêm vaccine và xét nghiệm nhanh Covid-19 âm tính. Đẩy mạnh triển khai các “Gian hàng 0 đồng” hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người lao động tạm hoãn, mất việc làm khi giãn cách xã hội.

PV

Từ khóa: #Hà Nội