Hà Nội triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

07:00 | 03/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
“TP Hà Nội sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trên thế giới và trong khu vực trong giai đoạn hậu Covid-19”.

Khi đợt dịch Covid-19 thứ tư xảy ra cuối tháng 4/2021, Hà Nội được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Bởi, ngoài những ổ dịch phức tạp trên địa bàn, Hà Nội còn là trung tâm, đầu mối giao thông quốc gia, số lượng người ra vào rất lớn; 8 tỉnh tiếp giáp đều có dịch. Tuy nhiên, với cách làm quyết liệt, tận dụng “thời gian vàng” để xét nghiệm, tiêm chủng, Hà Nội đã sớm cơ bản khống chế được dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế.

Ưu tiên số một là đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người dân, nhưng trong những tháng qua, Hà Nội vẫn thực hiện hiệu quả việc duy trì, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh. Đặc biệt, từ ngày 16/9 đến nay, khi thành phố từng bước nới lỏng một số hoạt động; chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đang được tăng tốc trở lại.

Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đang được tăng tốc trở lại

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh của dịch bệnh phức tạp, một số ngành kinh tế của Thủ đô vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng như: Tài chính, ngân hàng tăng 8,68%; khoa học công nghệ tăng 5,54% so với cùng kỳ năm ngoái; chăn nuôi tăng trưởng khá; đời sống của người dân được đảm bảo.

UBND TP Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vào 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Trong tháng 10/2021, các chỉ số thương mại, dịch vụ của Hà Nội tăng mạnh khi thành phố kết thúc thời gian giãn cách chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính đạt 56.000 tỷ đồng, tăng 59,8% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 32.300 tỷ đồng, tăng 25,5% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 5.300 tỷ đồng, gấp 2,1 lần tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Doanh thu du lịch, lữ hành đạt 304 tỷ đồng, tăng mạnh so với tháng 9 nhờ mở cửa trở lại nhưng chỉ bằng 68,8% cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 18.100 tỷ, gấp 2,7 lần tháng trước và tăng 35,7% so với cùng kỳ.

Đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội cũng dần trở lại

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 10 tháng năm 2021 ước thực hiện 216.900 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán Trung ương giao (đạt 86,3% dự toán TP giao) và tăng 8,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 ước đạt 1,28 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 715 triệu USD, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 58,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 564 triệu USD, tăng 2,1% so với tháng trước và giảm 9,8% so với cùng kỳ.

Trong tháng có 57 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 34 triệu USD. Bên cạnh đó, có 7 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 112,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 43 lượt, đạt 113 triệu USD. Lũy kế 10 tháng năm 2021, toàn TP thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI.

Tháng 11 này, Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”. Hội nghị sẽ đưa giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế của TP trong thời gian tới; đồng thời trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trước đó, vào đầu tháng 10, Thành ủy, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, TP Hà Nội sẽ ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 của TP; kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, trong các khu, cụm công nghiệp và các địa phương.

Bên cạnh đó, tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; hướng tới cơ bản các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được tinh gọn và thực hiện trực tuyến; thúc đẩy và khuyến khích đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ năng, trình độ và ý thức cao, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng.

“TP Hà Nội sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trên thế giới và trong khu vực trong giai đoạn hậu Covid-19”, ông Quyền nói.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thành phố Hà Nội đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh... Đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch bệnh.

Giữ vững thành quả chống dịch, những tháng cuối năm, Hà Nội tập trung triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch năm 2021; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Xem thêm: Hà Nội sẽ có 300 tỷ mỗi năm vào ngân sách nhờ loạt trạm thu phí vào nội đô?