HAGL Agrico nối dài chuỗi thua lỗ, tái cơ cấu chưa cho thấy hiệu quả
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu thuần đạt 93,5 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm 42% còn 93,5 tỷ đồng.
Trong đó, mảng cây ăn trái mang về 41 tỷ đồng. Sản lượng đạt 3.529 tấn, giảm 46% so với cùng kỳ là 6.577 tấn. HNG cho biết trong kỳ, Công ty chỉ tập trung chăm sóc và khai thác trên 918ha diện tích vườn chuối có hiệu quả, so với cùng kỳ là 2.049ha. Phần diện tích còn lại đã dừng chăm sóc để tập trung nguồn lực tiến hành đầu tư mới đối với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất; đẩy mạnh tập trung vào công tác quy hoạch, đầu tư đồng bộ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Còn doanh thu mảng cây cao su quý I chỉ đạt 26 tỷ đồng, sản lượng 825 tấn. Nguyên nhân do chu kỳ khai thác kết thúc vào tháng 1 hàng năm nên cao su chỉ thu hoạch trong tháng 1. Ngoài ra, chi phí giá vốn lớn, chủ yếu là chi phí khấu hao, dẫn đến doanh thu không bù đắp đủ chi phí.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính kỳ này gấp gần 4 lần cùng kỳ năm trước, ở mức 6,3 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 8% còn 67 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay ghi nhận 62,7 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt là 3,2 tỷ đồng và 4 tỷ đồng, đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, doanh nghiệp lỗ sau thuế 47 tỷ đồng. Đây là quý thứ 12 liên tiếp HAGL Agrico thua lỗ. Khoản lỗ lũy kế tính tới cuối kỳ lên đến 8.149 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, kể từ khi có sự tham gia của nhóm Thaco từ năm 2018 đến nay, HAGL Agrico vẫn chưa có nhiều khởi sắc, bức tranh tài chính vẫn xám màu với các khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tính đến thời điểm ngày 31/3/2024, quy mô tài sản của doanh nghiệp là 14.247 tỷ đồng, trong đó chỉ còn hơn 6 tỷ tiền mặt, so với đầu năm ghi nhận là 76 tỷ đồng. Tài sản của HAGL Agrico nằm chủ yếu ở chi phí xây dựng cơ bản dở dang (4.670 tỷ), chủ yếu ở chi phí phát triển vườn cây ăn trái, cây cao su, dự án nuôi bò,...
Vốn chủ sở hữu chỉ còn 2.487 tỷ đồng. Tổng nợ vay cuối kỳ là hơn 8.800 tỷ đồng, bao gồm 2.543 tỷ đồng vay dài hạn. Trong đó, nợ lớn nhất là từ CTCP Nông nghiệp Trường Hải (đơn vị thành viên của Thaco) 6.040 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai là 1.120 tỷ đồng, còn lại là dư nợ từ ngân hàng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra vừa qua (4/5), ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico cho biết, vốn công ty hơn 11.000 tỷ đồng thì đã lỗ hơn 8.000 tỷ đồng.
Trước thắc mắc của cổ đông về việc ông Trần Bá Dương có ý định "bỏ cuộc" trong công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp hay không. Người đứng đầu HAGL Agrico chia sẻ: "Công ty lỗ lớn nhưng đầu tư thì Thaco vẫn phải ủng hộ để đầu tư, tôi đánh cược vào nông nghiệp nói chung và HAGL Agrico là rất lớn".
Ông kể lại thời điểm khi nhận cơ cấu HNG thì đất đai bên Lào và Campuchia rất xấu, nhân sự đi khảo sát "chỉ dám nhìn lên trời vì thấy ngán". Doanh nghiệp khi đó chìm đắm trong khó khăn và áp lực phải duy trì niêm yết bằng nhiều cách, Thaco đã phải bỏ ra 40.000 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục bỏ rất nhiều tiền và công sức.
"Bình quân 1 tuần tôi vẫn đi 3 ngày đến các nông trường, để thấy rằng đam mê cho đến giờ này cả về nhân lực và vật lực đổ vào đây rất lớn. Lượng nhân sự từ Chu Lai điều qua làm nông nghiệp là khoảng 1.000 người và đầu tư xây dựng rất lớn để quyết tâm làm.
Vấn đề sức khỏe thì không thể nói trước được, nhưng cho dù có chuyện gì đi nữa thì tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành dự án nông nghiệp, để đến 2028 phải có giá trị, mà không có giá trị chắc đứt bởi vì đổ quá nhiều tiền rồi", ông Dương nói.
Với sự tự tin, ông cũng cho biết, HAGL Agrico đã ra được mô hình, công việc tiếp theo là quản trị vận hành như thế nào để có lời. Công ty hy vọng năm nay sẽ đầu tư xây dựng được, đến 2025 sẽ có doanh thu ổn định và bắt đầu có lãi.