Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục thanh toán lãi, gốc trái phiếu hơn 440 tỷ đồng

Đông Bắc 15:01 | 07/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đã thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu HAGBOND16.26 phát hành ngày 30/12/2016 là hơn 440 tỷ đồng.

 

Công ty CP  Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) cho biết vừa công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu HAGLBOND16.26 phát hành ngày 30/12/2016.

Theo đó, vào ngày 2/2 công ty đã thanh toán số tiền gốc là 357,5 tỷ đồng. Thời gian thanh toán tiếp theo là trong quý I/2024. Trước đó, ngày 15/1, HAGL cũng đã thanh toán 84,5 tỷ tiền gốc cho lô trái phiếu này.

Lô trái phiếu HAGLBOND16.26 có giá trị phát hành là 6.546 tỷ đồng với kỳ hạn 10 năm, tức đáo hạn ngày 30/12/2026. Trái chủ là Ngân hàng BIDV.

 

 Hoàng Anh Gia Lai vừa trả nợ hơn 440 tỷ đồng. Ảnh HAG.

 

HAGL huy động lô trái phiếu trên nhằm bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay của công ty. Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này bao gồm gần 30.000 ha quyền thuê đất tại Lào, Campuchia và gần 45 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG.

Liên quan đến lô trái phiếu này, theo HAGL, lý do chậm thanh toán là chưa thu được nguồn tiền thanh toán từ khoản nợ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: (HNG) - hiện đã thoả thuận lộ trình trả nợ ba bên và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty.

Ngoài ra, chi phí tài chính âm 996 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay ghi âm 952 tỷ đồng. Theo HAG, chi phí này có biến động lớn so với cùng kỳ, do được miễn giảm lãi vay của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (mã chứng khoán: EIB).

Kết quả, lãi ròng năm 2023 của HAG ghi nhận 1.709 tỷ đồng, hơn 1,5 lần năm trước. Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của công ty tăng 1.729 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng tăng 9% lên mức 21.528 tỷ đồng. Đáng chú ý, HAG tăng đầu tư mở rộng tài sản cố định thêm 1.577 tỷ đồng, lên mức 5.399 tỷ đồng.

 

 

 

 

Hành trình 10 năm “trả nợ” của Hoàng Anh Gia Lai

Tính đến hết năm 2023 HAGL có tổng tài sản hơn 21.500 tỷ đồng, phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn 8.370 tỷ đồng. Công ty có vay nợ tài chính khoảng 7.900 tỷ. Khoản chi phí lãi vay theo đó cũng giảm gần 3 lần, từ hơn 790 tỷ xuống còn 270 tỷ.

Số lỗ luỹ kế đến hết năm 2023 đã giảm từ hơn 3.300 tỷ xuống 1.600 tỷ. Xóa lỗ lũy kế là một mục tiêu quan trọng của bầu Đức để hướng đến việc đưa cổ phiếu HAG được giao dịch ký quỹ (margin) trở lại. Người đứng đầu doanh nghiệp kỳ vọng có thể xóa hết lỗ lũy kế từ nửa sau năm 2024 cổ phiếu được cấp margin.

Thời gian qua, “bầu” Đức cũng liên tục đàm phán, thanh lý tài sản, các danh mục bất động sản cuối cùng để giải quyết nợ vay.

Từ nửa cuối năm 2023 đến nay, ngoài Bapi Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp của bầu Đức mới đây cũng đã chuyển nhượng 9,9 triệu cổ phần tại Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai, tương đương 99% vốn điều lệ, để trả nợ gốc trái phiếu năm 2019.

Hồi tháng 10/2023,  HAGL cũng đã thanh lý khách sạn nằm trên đường Phù Đổng (Gia Lai) để trả nợ lô trái phiếu phát hành năm 2016 tại BIDV. Đối tác mua lại tài sản này là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai, một doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 20/6/2023 hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt…

Công ty con của tập đoàn là CTCP Chăn nuôi Gia Lai cũng đã thanh toán 750 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trung hạn hơn 163 tỷ đồng) cho Eximbank để tất toán các khoản vay từ năm 2014.

Sau bệnh viện và khách sạn, Hoàng Anh Gia Lai đang muốn bán toàn bộ 2,75 triệu cổ phần, tương đương 44,5% vốn, tại CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai. Sau khi hoàn tất giao dịch, Bapi sẽ không còn là công ty liên kết của HAGL.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2013, HAGL ghi nhận tổng nợ hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó có tới hơn 14.000 tỷ là vay nợ tài chính, chiếm 1 nửa tổng tài sản. Sau 10 năm, số nợ vay đã giảm xuống còn hơn 7.900 tỷ, chiếm ⅓ nguồn vốn, cho thấy doanh nghiệp này đang rất tích cực trả nợ vay, “làm sạch” báo cáo tài chính.

Trong văn bản biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh cáo gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng ngày, HAGL cho biết kết quả kinh doanh của công ty đã có nhiều chuyển biến tích cực và phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo. Hiện tại, công ty vẫn đang tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực là chuối, sầu riêng và heo.

Đồng thời, trong năm 2023, HAGL đã thanh lý một số tài sản không sinh lợi và các khoản đầu tư tài chính để trả bớt một phần nợ trái phiếu BIDV, nhờ đó chi phí lãi vay giảm mạnh và phần nào mang lại dòng tiền, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.