Hai dữ kiện quan trọng giúp làm rõ lộ trình lãi suất của Fed

Khả Ngân 08:52 | 30/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tuần này, Chủ tịch Fed sẽ có bài phát biểu về triển vọng kinh tế và Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm. Cả hai là dữ kiện quan trọng giúp các nhà đầu tư phán đoán định hướng lãi suất của ngân hàng trung ương này.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. (Ảnh: Bloomberg).

 

Hiện tại, các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed - ngân hàng trung ương Mỹ - sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất lớn khác vào tháng 11.

Mối quan tâm của thị trường có thể sẽ gia tăng trong tuần này khi Chủ tịch Fed Jerome Powell có bài phát biểu trước công chúng và chính phủ công bố số liệu việc làm mới.

Ông Powell sẽ thảo luận về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới tại sự kiện của Hiệp hội Kinh tế Doanh nghiệp Quốc gia vào ngày 30/9. Sau đó, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 9 vào ngày 4/10.

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đánh giá thị trường việc làm có thể đang chững lại nhưng vẫn nhìn chung vẫn khoẻ mạnh. Họ ước tính nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 146.000 việc làm trong tháng 9.

Con số này tương đương kết quả của tháng 8 và đẩy mức tăng trưởng việc làm trung bình trong ba tháng xuống gần mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019.

Tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán giữ nguyên ở mức 4,2%, trong khi thu nhập trung bình hàng giờ dự kiến sẽ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tình trạng bất ổn gần đây trên thị trường lao động cho thấy báo cáo việc làm tháng 9 có thể là báo cáo ổn định cuối cùng trước khi các nhà hoạch định chính sách nhóm họp vào đầu tháng 11.

Hồi giữa tháng 9, Boeing đã tạm dừng việc tuyển dụng và bắt đầu cho nghỉ việc hàng nghìn nhân viên để cắt giảm chi phí. Một cuộc đình công kéo dài có thể khiến nhà sản xuất tàu bay mất đi hàng tỷ USD.

Không lâu sau đó, hàng chục nghìn nhân viên bốc xếp tại 36 cảng biển đe doạ có thể sẽ đình công từ ngày 1/10 nếu không được tăng lương. Diễn biến này có nguy cơ làm đảo lộn thị trường việc làm, chuỗi cung ứng và kéo giá cả đi lên.

 

Ngoài báo cáo việc làm, số liệu về cơ hội việc làm - dự kiến công bố vào ngày 1/10 - cũng là một thông tin quan trọng. Các nhà kinh tế dự đoán số vị trí trống trong tháng 8 vẫn ở gần mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Các nhà kinh tế cũng sẽ tập trung vào tỷ lệ nghỉ việc và sa thải để đánh giá mức độ hạ nhiệt trong nhu cầu lao động.

Ngoài ra, các cuộc khảo sát công nghiệp cũng sẽ giúp làm sáng tỏ tình hình tuyển dụng của khu vực tư nhân. Viện Quản lý Cung ứng Mỹ sẽ công bố chỉ PMI tháng 9 của  lĩnh vực sản xuất vào ngày 1/10 và của lĩnh vực dịch vụ vào ngày 3/10.

Trước đó, tại cuộc họp chính sách ngày 17 - 18/9, các quan chức Fed đã hạ 50 điểm cơ bản (bps), đánh dấu đợt giảm lãi suất đầu tiên kể từ giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19.

Ngoài các đợt giảm lãi suất khẩn cấp trong đại dịch, lần cuối cùng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, cơ quan hoạch định chính sách của Fed) hạ 50 bps là vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Sau quyết định mới nhất, lãi suất quỹ liên bang đã tụt xuống phạm vi 4,75 - 5%. Ngoài ảnh hưởng đến chi phí đi vay ngắn hạn của các ngân hàng, lãi suất chuẩn cũng tác động đến nhiều sản phẩm tiêu dùng khác khác như cho vay mua nhà, mua ô tô và thẻ tín dụng.

Bên cạnh việc hạ lãi suất, FOMC còn công bố biểu đồ dot plot cho thấy các quan chức sẽ cắt giảm chi phí đi vay liên ngân hàng thêm 50 bps vào cuối năm nay, gần với dự đoán của thị trường.

Cũng theo biểu đồ, ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ giảm lãi suất thêm 100 bps trong năm 2025 và 50 bps vào năm 2026. Tóm lại, biểu đồ cho thấy lãi suất chuẩn sẽ giảm khoảng 200 bps sau động thái tháng 9.

Tuyên bố sau cuộc họp nhấn mạnh: “Ủy ban đã tự tin hơn rằng lạm phát đang giảm bền vững về mức mục tiêu 2% và chúng tôi đánh giá rủi ro để đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát là tương đương nhau”.