'Hai màu đối lập' lợi nhuận một số ngành hàng trong quý III
Dầu khí dẫn đầu nhóm ngành tăng trưởng
Trên thế giới, các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức cao và hầu hết các quốc gia sẽ áp dụng chính sách tài khóa thắt chặt, nhằm giảm bớt gánh nặng nợ phát sinh từ các chính sách hỗ trợ khi đại dịch bùng phát. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2023 tăng 0,8%, thấp hơn nhiều so với con số dự báo 1,7% hồi tháng 4.
Trong nước, lạm phát được kiểm soát và có xu hướng giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, đến tháng 10 tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 10 tháng đầu năm 2023 CPI tăng 3,2%. Tăng trưởng GDP quý III có tiến triển hơn so với 2 quý trước đó.
Tăng trưởng GDP thực tế 9 tháng đầu năm đạt 4,24% (trong đó quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%) thấp hơn so với mục tiêu 6,5% của Quốc Hội.
Về bức tranh kết quả kinh doanh quý III nhìn chung đã có giằng co. Theo FiinTrade, tính đến ngày 31/10, lợi nhuận sau thuế quý III toàn thị trường tăng 0,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, ghi nhận nhóm ngành tăng gồm: Dầu khí (tăng 829%), tài nguyên cơ bản (tăng 162%), bảo hiểm (tăng 19%), dịch vụ tài chính (tăng 104%), thực phẩm và đồ uống (tăng 0,1%), công nghệ thông tin (tăng 18%), ô tô và phụ tùng (tăng 56%), xây dựng và vật liệu (tăng 23%), du lịch và giải trí (tăng 6%).
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý IV/2023", ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cho biết, hiện nay, nền kinh tế nói chung trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, số lượng nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận dương năm nay là không nhiều, trong đó bao gồm thép, chứng khoán, dầu khí, công nghệ. Về nhóm chứng khoán, thanh khoản thị trường quý III năm nay đã tăng 50% so với trung bình năm ngoái, giúp công ty chứng khoán tăng kết quả kinh doanh từ các mảng như môi giới, cho vay.
Với nhóm dầu khí, giá dầu đã phục hồi khá tốt trong nửa cuối năm nay. Trong thời gian tới, các tổ chức dự báo lớn đều nhận định giá dầu có thể điều chỉnh về quanh vùng 90 USD/thùng do nhu cầu phục hồi và chính sách cắt giảm của Nga và OPEC+ vẫn còn. Ngoài ra, những xung đột gần đây sẽ là yếu tố có thể hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn.
Nhóm ngành giảm gồm: Hàng & Dịch vụ công nghiệp (giảm 10% so với cùng kỳ), viễn thông (giảm 13%), bất động sản (giảm 33,1%), y tế (giảm 6,1%), ngân hàng (giảm 1,3%), hóa chất (giảm 64%), bán lẻ (giảm 70%)...
Nhóm cổ phiếu có tiềm năng về cuối năm
Nhận định về thị trường, Chứng khoán KBSV kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ có sự phục hồi trong 6 tháng cuối năm khi so với cùng kỳ đến từ: Mức nền so sánh của nửa cuối năm 2022 đã thấp hơn đáng kể so với nửa đầu năm khi mà nền kinh tế đã bộc lộ nhiều dấu hiệu suy yếu từ quý III, quý IV năm ngoái; Chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN về đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế VAT, hạ lãi suất… bắt đầu thẩm thấu vào kết quả kinh doanh các doanh nghiệp; Lĩnh vực sản xuất có dấu hiệu hồi phục tốt trong các tháng gần đây và kỳ vọng tăng tốc trong các tháng cuối năm nhờ mùa tiêu dùng cao điểm ở Mỹ và EU, cũng như trạng thái hàng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ đã giảm mạnh.
Dựa trên kết quả kinh doanh quý III, chứng khoán Mirae Asset (MAS) tiến hành lọc cổ phiếu có kết quả kinh doanh ổn định, duy trì sức tăng trưởng tốt và có câu chuyện riêng. Trong đó, các cổ phiếu thuộc một số nhóm ngành mang tính ổn định như: thực phẩm, hóa chất, dầu khí, điện là những lựa chọn tương đối an toàn. Ngoài ra nhóm ngành dần hồi phục có câu chuyện như bất động sản, chứng khoán cũng là lựa chọn phù hợp khi rơi về những vùng giá hấp dẫn.
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), trong ba năm trở lại đây, chứng khoán là nhóm ngành có lượng tăng vốn tốt nhất trên thị trường.
“Giá trị thanh khoản thị trường trong 9 tháng của năm 2023 là một cú hích đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán. Đây là nhóm ngành duy nhất có mức tăng trưởng tốt trong 9 tháng qua. Yếu tố thứ hai liên quan đến sức ép về đầu tư khi 9 tháng qua không hoàn toàn là chu kỳ tiền rẻ, thay vào đó, có thể gọi là chu kỳ về sức ép đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp và trong xu hướng giảm”, ông Nguyễn Thế Minh phân tích.
Trong khi đó, bất động sản đang trong giai đoạn đóng băng và hầu hết các kênh đầu tư khác không tạo ra được độ hấp dẫn so với kênh cổ phiếu, do đó, khi nhà đầu tư gia nhập kênh cổ phiếu sẽ lựa chọn nhóm ngành có câu chuyện cơ bản rõ ràng nhất.
“Với bất động sản, tôi thiên hướng về câu chuyện kỳ vọng nhiều hơn khi những hành động vừa qua của Chính phủ trong việc giải quyết câu chuyện khôi phục thanh khoản của thị trường bất động sản trở lại, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro lớn nhất năm 2022 là rủi ro về trái phiếu, thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản đã qua đi. Thị trường ở hiện tại ít nhất đã ở trạng thái cân bằng, không còn rủi ro xảy ra khủng hoảng đồng bộ như năm trước”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Với nhóm cổ phiếu thép, theo ông Minh, khi thị trường bước vào giai đoạn đầu chu kỳ, thông thường nhà đầu tư sẽ tìm kiếm đến những nhóm ngành có lượng tồn kho bắt đầu có khuynh hướng giảm dần, và thép đang có những dấu hiệu này.
“Ở nhóm thép, các doanh nghiệp thép hầu như đều ghi lỗ kỷ lục trong năm 2022. Trong nửa cuối năm nay, dự báo các doanh nghiệp thép chưa quay lại mức trung bình nhưng cũng đã cải thiện so với kết quả năm ngoái, các công ty không còn ghi nhận trích lập hàng tồn kho lớn như 2022. Hiện giá thép cũng chỉ mới đi ngang, chưa tăng”, ông Đào Minh Châu nói.
“Ba nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, thép đang giúp sức cho thị trường, đóng góp khá lớn cho thanh khoản thị trường”, Giám đốc phân tích của YSVN cho hay.