Hải Phòng mở lại đường bay, người từ Tân Sơn Nhất về phải đáp ứng điều kiện gì?

Vương Cảnh Chân 07:17 | 10/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sẽ tiếp nhận hành khách tiêm đủ liều vaccine, đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay.

UBND TP Hải Phòng có công văn hỏa tốc về việc bố trí tiếp nhận các chuyến bay thương mại nội địa về Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Theo đó, Hải Phòng sẽ tiếp nhận hành khách đáp ứng những điều kiện sau:

Người tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Thông tin này cập nhật trên thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày.

Người đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương, có giấy ra viện hoặc giấy xác nhận.

Bộ GTVT cho khai thác trở lại 19 đường bay chở khách với 38 chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Người có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.

Hành khách phải thực hiện khai báo y tế, hoàn thành bản cam kết theo quy định; không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng;…

Riêng đối với hành khách từ Sân bay Tân Sơn Nhất đến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và lưu trú tại Hải Phòng phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của thành phố.

Họ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm vào tháng thứ 3 và ngày thứ 7, tiếp tục cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày cuối cùng.

UBND TP Hải Phòng yêu cầu Cảng hàng không quốc tế Cát Bi xây dựng phương án, kế hoạch đón, trả khách ra vào đảm bảo an toàn, an ninh hàng không và các quy định về phòng, chống dịch; chủ trì phối hợp cùng Sở Y tế, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR.

Nơi đây cũng phải bố trí địa điểm, khu vực cách ly tạm thời thông thoáng đẻ ngành y tế triển khai lấy mẫu xét nghiệm; bố trí khu vực bán vé, phòng chờ, đảm bảo giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch;…

Trường hợp phát hiện nhân viên hàng không, hành khách có biểu hiện nghi ngờ, Cảng phải bố trí cách ly và thông báo ngay cho cơ quan y tế để được xử lý.

Theo UBND TP Hải Phòng, quyết định trên được đưa ra để góp phần giúp doanh nghiệp, người dân và thành phố phục hồi sản xuất.

19 đường bay được mở lại

Trước đó, tối 8/10, Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách đến hết 20/10.

Theo đó, Bộ cho khai thác trở lại 19 đường bay chở khách với 38 chuyến khứ hồi mỗi ngày. Trong đó, các chặng hai chiều giữa TP HCM và Bình Định/Đà Nẵng/Huế/Khánh Hòa/ Nghệ An/Phú Yên/Quảng Bình/Quảng Nam/Thanh Hóa/ Hải Phòng/Phú Quốc/Gia Lai/Rạch Giá có tần suất một chuyến mỗi ngày.

Đường bay giữa Hà Nội – TP HCM/Đà Nẵng; Đà Nẵng – Cần Thơ/Đắk Lắk; Thanh Hóa – Lâm Đồng cũng một chuyến khứ hồi mỗi ngày. Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ khai thác linh hoạt theo tình hình dịch.

Trong kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, các sân bay ở Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai đều tiếp nhận máy bay. Cụ thể, Hải Phòng có một chuyến khứ hồi đến TP HCM. Hà Nội có hai chuyến khứ hồi đến Đà Nẵng và TP HCM, Gia Lai có một chuyến đi TP HCM hàng ngày. Trước đó, lãnh đạo các địa phương này đều chưa đồng tình tiếp nhận các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, hành khách được yêu cầu tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương; có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.

Hành khách phải khai báo y tế, hoàn thành cam kết phòng chống dịch; không được lên máy bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...

Sau chuyến bay, khi di chuyển về nơi cư trú, hành khách không tiếp xúc nơi đông người; tự theo dõi sức khoẻ hoặc cách ly tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày (theo quy định cụ thể của từng địa phương). Riêng người từ vùng dịch phải xét nghiệm vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi ở.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các địa phương quản lý, giám sát người về địa phương, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng...

Trả lời báo Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng, khó khăn nhất của Việt Nam trong đi lại hiện nay là kiểm soát an toàn dịch bệnh khi tỉ lệ tiêm vắc xin còn thấp và không đồng đều. Người tiêm đủ vắc xin vẫn có khả năng nhiễm bệnh nếu đến vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp vẫn làm lây dịch ở đó hoặc lây cho người già, người chưa tiêm khiến những người đó mắc bệnh nặng, có thể tử vong.

"Nếu người tiêm 2 mũi đến vùng có tỉ lệ tiêm 2 mũi cao như Phú Quốc lây cho người ở đó thì không bị sao vì người tiêm 2 mũi có nhiễm cũng như cúm mùa. Vướng nhất hiện nay là các địa phương tiêm vắc xin ít e ngại vì họ không có đủ khu cách ly, năng lực y tế hạn chế sợ bùng phát dịch thì vỡ trận, tử vong cao như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương vừa qua" - ông Phu dẫn chứng và đề nghị những vùng nguy cơ khác nhau thực hiện biện pháp kiểm soát hành khách với mức độ tương ứng.