Vì sao Hà Nội muốn tiếp tục dừng chuyến bay thương mại, tàu hỏa chở khách?

07:03 | 29/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến đề nghị tạm dừng một số hoạt động vận tải đường hàng không và đường sắt bởi tình hình diễn biến còn phức tạp.

Cụ thể, công văn ngày 27/9 của Tp.Hà Nội gửi Bộ Giao thông Nận tải ngày 27/9 liên quan tới kiểm soát hoạt động các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài và vận tải hành khách bằng đường sắt đến đến thủ đô.

Công văn được ký bởi Phó chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Lê Hồng Sơn thay mặt cho Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội gửi Bộ Giao thông vận tải nêu rằng: Qua 60 ngày thực hiện giãn cách xã hội, thành phố cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19.

Hình ảnh quen thuộc: Lạnh lẽo, vắng khách những ngày trong tâm dịch tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet

Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội vẫn nhận thấy tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số địa phương khác vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ địa phương Hà Nội vẫn còn rất cao. Do đó, nhằm đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài; chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội.

Trong trường hợp  phục vụ công tác công vụ, nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, vận chuyển hàng hóa hoặc tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội bằng máy bay, tàu hỏa thì chính quyền thành phố đề nghị thực hiện khi có sự đồng ý của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Tp.Hà Nội.

Từ ngày 18/7, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội đã tạm dừng xe khách đến 37 tỉnh, thành phố. Từ ngày 24/7, Hà Nội thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng nên tiếp tục dừng xe khách liên tỉnh, xe buýt với tất cả các tỉnh. Đến nay trên địa bàn Hà Nội vẫn dừng hoạt động chở khách của taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe máy.

Ngành đường sắt đã ngưng hoạt động từ ngày 25/8, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã không trở khách trên hệ thống đường sắt Việt Nam. Đến nay, đường sắt lên kế hoạch khai thác tàu hỏa chở khách trở lại từ 1/10 tới.

Tương tự là ngành đường sắt, cũng chịu nhiều thiệt hại không thể khai thác bởi COVID-19. Ảnh minh họa

Trong khi đó, hàng không cũng dừng hoạt động đến Hà Nội từ ngày 22/7. Riêng Vietnam Airlines thực hiện 2 chuyến khứ hồi/ngày đường bay Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên Hà Nội chỉ bố trí được chỗ cách ly cho khách 1 chuyến bay từ Tp.HCM ra Hà Nội vào ngày 22/7 nên đến thời điểm hiện chưa thực hiện chuyến bay thứ 2 đưa khách từ phía nam trở lại. 

Còn chặng bay ngược lại theo chiều Hà Nội - Tp.HCM dù được khai thác 2 chuyến/ngày nhưng lượng khách rất ít nên Vietnam Airlines chuyển hướng kết hợp chở đoàn công tác phòng, chống dịch; chở hàng kết hợp hành khách nếu có.

Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 25/9 thì Bộ Giao thông vận tải đã lên kế hoạch mở lại đường bay nội địa theo 4 giai đoạn tại các địa phương nới lỏng phòng dịch từ ngày 1/10. Nội dung này được đề cập trong dự thảo ngày việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với duy nhất một phương án. 

Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch) tần suất trên từng đường bay với từng hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 (trước đợt dịch thứ 4) và giãn cách ghế trên máy bay.

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày sau giai đoạn 1) tần suất trên từng đường bay của từng hãng bay không vượt quá 70%.

Giai đoạn 3 (sau giai đoạn 2) tần suất trên từng đường bay của từng hãng không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và không phải giãn cách ghế.

Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) cho phép các hãng được khai thác trở lại bình thường. 

Với dạng đường bay chỉ có 1 chuyến/ngày, các hãng hàng không vẫn được khai thác tần suất như vậy từ giai đoạn một và giãn cách ghế trên tàu bay.

Đường sắt cũng chia làm 4 giai đoạn với các thông số quy định tương đương mỗi giai đoạn 10 ngày. Giai đoạn 1 khôi phục 50% tần suất chạy tàu so với bình thường, giãn cách khách trên tàu; giai đoạn 2 tần suất tối đa 70% và giãn cách khách; giai đoạn 3 vẫn tần suất như giai đoạn 2 nhưng bỏ áp dụng giãn cách trên tàu; giai đoạn 4 khai thác trở lại bình thường.

 

Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, TP, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã phường thị trấn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nêu 2 kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng.

Đầu tiên dù nhận định đã kiểm soát cơ bản tình hình dịch bệnh nhưng Hà Nội xác định nguy cơ vẫn cao, đó là vẫn còn F0 cộng đồng, người về từ vùng dịch có ca nhiễm, tâm lý lơ là chủ quan sớm tự mãn với kết quả bước đầu đạt được trong phòng chống dịch. Ông Phong cũng nhắc tới việc người dân đổ ra đường tối trung thu là bài học rất sâu sắc và TP cũng đã rút kinh nghiệm. Từ đó, thành phố đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cân nhắc việc triển khai chuyến bay thương mại và vận tải hành khách đường sắt đến Hà Nội.

Tiếp theo, dự tính cuối tháng 10 sẽ tiêm trả mũi 2, vì vậy Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngành quan tâm bố trí vaccine để đảm bảo đủ tiêm trả mũi 2 cho người dân.